Năm 2024 vừa qua, thành phố Hà Nội đã xác định trọng tâm của công tác cải cách hành chính là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Yêu cầu đặc biệt là nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước cũng như mỗi cán bộ, công chức.
Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống phần mềm nên đã hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Tại bộ phận "một cửa” của các cơ quan, đơn vị, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (email) được niêm yết để người dân liên hệ khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Thành phố tăng cường chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ, đề cao tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức. Cùng với đó là tổ chức thực hiện tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Song, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” tại một số đơn vị đã xuống cấp, chưa đồng bộ. Chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính tại một số đơn vị còn chênh lệch, chưa đồng đều. Trong khi đó, việc công bố thủ tục hành chính của một số bộ, ngành còn chưa kịp thời, cập nhật chưa đầy đủ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công thành phố còn nhiều lúc vận hành chưa ổn định, gây khó khăn cho các đơn vị, người dân trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Trước yêu cầu cấp thiết trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 6830/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước năm 2025 của thành phố với mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cũng như rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Trong đó, cải cách hành chính gắn với thực hiện nghiêm túc chủ đề công tác năm 2025 của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, yêu cầu cấp thiết đặt ra là tiếp tục phải rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá hiệu quả để đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các nhóm thủ tục hồ sơ hành chính mà người dân, doanh nghiệp có nhiều giao dịch. Đặc biệt cần đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính, kiểm tra kỷ luật công vụ, kiểm tra việc thực hiện và công khai hằng tháng kết quả nhiệm vụ Trung ương, thành phố giao. Trong đó, chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nâng cao ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức; hiện đại hóa bộ phận “một cửa” để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, hiện đại và chuyên nghiệp hơn.
Kế hoạch, giải pháp đã có và giờ vấn đề nằm ở những người, những khâu trực tiếp thực hiện. Để cuối cùng, cải cách hành chính phải luôn là điểm sáng của Thủ đô, thật sự vì người dân và doanh nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.