Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thật, giả lẫn lộn?

Ngọc Minh - Bạch Thanh| 29/08/2011 07:25

(HNM) - Dọc đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, đường 21B… có tới gần 200 cửa hàng trưng biển hiệu sữa tươi Ba Vì khiến nhiều người băn khoăn nghi ngờ chất lượng bị thả nổi...


Các loại biển hiệu quảng cáo sữa Ba Vì trên đường 21B. Ảnh: Bá Hoạt

Trên các trục đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, đường 21B đoạn khu vực Sơn Tây - Ba Vì, san sát đủ các biển hiệu quảng cáo sữa tươi Ba Vì của các cửa hàng sữa Ất Thảo, Thường Sử, Phương Nam, Hồng Thành... Tại cửa hàng đặc sản sữa tươi Ba Vì - Ất Thảo, khi được hỏi về nguồn gốc sữa tươi bán tại cửa hàng, chủ cửa hàng tự nhận là nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì nên chỉ lấy sữa tươi từ đơn vị ra; sữa chua, caramen được chế biến từ sữa tươi. Tuy nhiên, theo Phó phòng Kế hoạch Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì Lê Văn Thực, 100% sản phẩm sữa tươi trong ngày (khoảng 4.000 lít), thu gom của 92 nông hộ thuộc trung tâm đều nhập cho Công ty CP Sữa quốc tế IDP. Theo một số hộ kinh doanh, nguồn sữa tươi bán tại các cửa hàng sữa bò, sữa dê ven quốc lộ 21B có nguồn gốc từ các hộ chăn nuôi bò ở xã Tản Lĩnh, Yên Bài…Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì có tới gần 200 cửa hàng, đại lý bán sữa tươi, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng nghìn lít sữa tươi. Vậy có thực 100% sản phẩm sữa tươi ở đây được lấy từ các nông hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn? Liệu các sản phẩm của các cửa hàng này có bảo đảm chất lượng mà thương hiệu sữa Ba Vì đã khẳng định?

Theo ông Tạ Viết Hùng, Trưởng phòng Nông vụ, Công ty CP Sữa quốc tế, hiện nay mỗi ngày công ty này thu gom được hơn 30 tấn sữa tươi trên địa bàn Ba Vì đưa về nhà máy chế biến. Trên địa bàn huyện có 21 trạm thu gom bảo đảm tiện lợi cho nông dân nhập sữa tươi với các quy định tiêu chuẩn bắt buộc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Công ty CP Sữa quốc tế IDP đã có chủ trương cùng với UBND huyện Ba Vì gửi thư mời tới 100% số hộ chế biến thủ công, kinh doanh sữa tươi Ba Vì trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Ba Vì về Sơn Tây tổ chức tập huấn cách chế biến, bảo quản sữa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiến tới thành lập Hiệp hội Sữa tươi Ba Vì để cùng nhau chung tay bảo vệ thương hiệu.

Về giải pháp quản lý chất lượng và thương hiệu sữa Ba Vì, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội khuyến nghị, DN cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân vùng chăn nuôi gia súc lớn đồng thời tạo mọi điều kiện trang bị cho người chăn nuôi thiết bị máy vắt sữa, thùng đựng sữa và các dụng cụ liên quan, kiểm tra chặt chẽ chất lượng sữa, nâng cấp hạ tầng cơ sở bằng cách trang bị máy kiểm tra chất lượng sữa, dụng cụ kiểm tra nhanh, đào tạo kiến thức từ khâu chăm sóc, khai thác sữa, vệ sinh môi trường chăn nuôi đến vắt sữa, vận chuyển sữa từ hộ đến nơi thu gom đúng quy trình kỹ thuật…

Được biết, hiện nay trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội có hơn 9.000 con bò sữa, tổng sản lượng sữa tươi đạt hơn 83 tấn/ngày; trong đó riêng huyện Ba Vì có hơn 5.000 con bò sữa, với hơn 3.000 con bò đang cho khai thác, sản lượng đạt hơn 46 tấn sữa tươi/ngày. Hiện nay, hộ chăn nuôi bán sữa cho các công ty, nhà máy chế biến sữa với giá bình quân từ 11.800 đồng - 12.500 đồng/kg (tùy theo chất lượng sữa, qua kiểm nghiệm). Người chăn nuôi bò sữa phấn khởi vì "đầu ra" ổn định và đang có lãi từ 30-50%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thật, giả lẫn lộn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.