Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm sống dưới "bom" bùn mangan

Theo TTXVN| 21/07/2016 12:44

Hàng ngàn mét khối đất bùn do khai thác mangan được tích tụ; trong khi hệ thống bờ bao của mỏ chỉ được đào đắp tạm bợ, khiến người dân Tuyên Quang đứng ngồi không yên.


Hàng ngàn mét khối đất bùn được tích tụ trong khu vực mỏ của Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí - Mỏ mangan MIMECO Phúc Sơn gây ô nhiễm nghiêm trọng.


Sau hơn 10 năm Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí - mangan MIMECO Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, hoạt động khai thác mangan bằng phương pháp tuyển rửa, hàng ngàn mét khối đất bùn được tích tụ; trong khi đó hệ thống bờ bao lại xây dựng một cách tạm bợ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sống trong khu vực mỏ, đặc biệt là khi mùa mưa đang đến gần.

Mỏ mangan thuộc xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, được đánh giá là một trong những mỏ có trữ lượng mangan lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Ngày 25/02/2003, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép số 211/2003/GP-BTNMT cho Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí được khai thác mangan trong vòng 10 năm, trên diện tích hơn 19,7 ha.

Việc đơn vị này khai thác trong thời gian dài, trong khi hệ thống bờ bao của mỏ chỉ được đào đắp tạm bợ, trải qua nhiều năm vận hành đang trở nên mất an toàn, khiến người dân đứng ngồi không yên. Không biết "kêu" ai, bà con phải tự thuê máy đào đắp những con đập nhỏ bao quanh khu vực mỏ để bảo vệ ruộng lúa của mình.

Ông Nguyễn Văn Sáng, thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, cho biết: "Mấy năm trước chưa đắp đập, đất thải từ mỏ tràn xuống lấp hết cả cánh đồng. Người dân phải làm những con đập nhỏ để bảo vệ ruộng nhưng vào mùa mưa, lúc mưa to, bùn vẫn tràn vào ruộng. Năm 2013, 2014 mưa lớn, đất bùn từ trên mỏ tràn xuống cuốn trôi cả đồ đạc, vật dụng trong nhà."

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống các hồ chứa nước thải từ quá trình tuyển rửa sau nhiều năm không được nạo vét bùn đã đầy, không còn phân biệt đâu là hồ đâu là bờ. Trong khi đó vị trí của hồ cao hơn khu ruộng khoảng 3-4m lại nằm đầu nguồn nước, vì vậy nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn là rất cao. Tại một số vị trí quanh đập vẫn thấy hiện tượng sạt lở do nước chảy từ những đợt mưa trước đó.

Không có hệ thống bờ bao kiên cố nên lượng nước sử dụng vào việc tuyển rửa không được tuần hoàn khép kín mà đã rò rỉ ra môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đặc biệt, giấy phép xả thải vào nguồn nước do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho doanh nghiệp cũng đã hết hạn từ cuối năm 2015, hiện vẫn ngang nhiên xả thải ra ngoài môi trường nhưng không có cơ quan nào "tuýt còi".

Chị Ma Thị Hoản, thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, cho biết: Cứ sau mỗi trận mưa là nước từ mỏ tràn xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong thôn, đặc biệt là nguồn nước ô nhiễm khiến người dân bức xúc. Người dân đã nhiều lần có ý kiến, các phiên họp ở thôn cũng mời cả lãnh đạo mỏ, lãnh đạo xí nghiệp đối thoại, nhưng sau mỗi lần lập biên bản xong thì đâu lại vào đấy, doanh nghiệp không làm theo cam kết với dân, nói xuê xoa cho qua chuyện.

Làm việc với ông Nguyễn Xuân Thảo - Giám đốc Chi nhánh mangan MIMECO Phúc Sơn, ông Thảo cho biết: Doanh nghiệp đang làm thủ tục xin gia hạn giấy phép, trên công trường chỉ có toàn bộ 16 công nhân, cán bộ làm việc. Liên quan đến hệ thống đê bao, ông Thảo khẳng định hệ thống bờ bao của đơn vị là "kiên cố".

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết: Vừa qua Sở đã tiến hành kiểm tra, xử lý nguy cơ mất an toàn bãi thải, hồ bùn trong khai thác khoáng sản (kể cả các bãi thải, hồ chứa bùn thải đã dừng hoạt động) trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong số này lại không có địa điểm trên. Tiếp nhận thông tin từ phóng viên, Sở yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra lại những nội dung mà phóng viên phản ánh, nếu có vi phạm thì căn cứ quy định xử phạt nghiêm.

Được biết, doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép khai thác từ 3 năm nay. Tại công văn trả lời về yêu cầu gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, số 779/ĐCKS-KS ngày 25/3/2016, Tổng Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam nêu rõ: "Đến thời điểm hiện nay, Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ giấy phép theo quy định tại khoản 2 điều 55 Luật Khoáng sản, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đã đầu tư... nên không có căn cứ gia hạn giấy phép khai thác.

Yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí lập báo cáo hiện trạng mỏ; trường hợp còn trữ lượng và nhu cầu khai thác, Công ty cần lập hồ sơ mới để xin cấp lại giấp phép khai thác. Trường hợp đã khai thác hết khoáng sản trong ranh giới cấp phép, đề nghị công ty lập hồ sơ đóng cửa mỏ. Ngoài ra, Công ty phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ giấy phép khai thác, trong đó có việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm sống dưới "bom" bùn mangan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.