Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm nỗi lo mùa dịch

Hương - Quỳnh| 12/03/2012 07:13

(HNM) - Hiện nay, dịch cúm gia cầm (CGC) vẫn đang xảy ra ở các tỉnh, thành phố, trong đó hầu hết dịch CGC đều bắt đầu từ đàn vịt nên nghề chăn nuôi thủy cầm (vịt) đang gặp nhiều khó khăn, bởi nông dân có thể mất trắng nếu như không có biện pháp chăn nuôi an toàn, tiêm phòng vắc xin hiệu quả.


Nuôi vịt thả đồng có nguy cơ lây bệnh cao khi có dịch cúm gia cầm.Ảnh: Lê Tuấn

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch CGC xảy ra đã làm 35.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy, trong đó 85% là vịt. Nguyên nhân dịch cúm xảy ra ở trên đàn vịt chủ yếu là do các hộ có thói quen nuôi vịt thả đồng, không thực hiện các biện pháp tiêm phòng bắt buộc, tiêu độc khử trùng môi trường để giảm thiểu sự lây lan mầm bệnh… Đặc biệt là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, số lượng vịt chạy đồng rất lớn với khoảng 31 triệu con. Trong khi đó, có 35% lượng phân vịt thải ra kênh, ruộng và 65% lượng phân thải ra ở chuồng đối với vịt từ 3-4 tuần tuổi. Riêng đối với vịt chạy đồng chăn thả tự do, 100% phân được thải ra kênh, ruộng. Mức độ lây lan của dịch trên đàn vịt lại hết sức nhanh bởi chủ yếu qua đường sông nước.

Thời gian gần đây, người nuôi vịt ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) lo lắng vì dịch CGC H5N1 xảy ra khiến nhiều đàn vịt bị tiêu hủy. Mặc dù các ổ dịch trên địa bàn đã được khống chế và chưa có dấu hiệu xuất hiện trở lại nhưng thời tiết đang thay đổi là điều kiện thuận lợi cho sự lưu hành của vi rút nên người nuôi đang rất lo lắng. Ông Lê Văn Thất ở thôn Chi Lễ, xã Quang Trung lo lắng cho biết, trang trại của gia đình ông hiện nuôi 700 con vịt đang trong giai đoạn phát triển, nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các hộ chăn nuôi ở đây rất lo, bởi vịt đều sống trên ao, hồ mà nguồn nước lại là nơi dễ phát sinh dịch bệnh nhất. Vẫn biết tiêm phòng là để bảo vệ đàn vịt nhưng sự biến chủng của vi rút mới này rất phức tạp nên cũng chưa biết thế nào!

Ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Phú Xuyên cho biết, toàn huyện có 1 triệu con GC nhưng đàn vịt chiếm 70%. Dịch CGC xảy ra phần lớn ở các đàn vịt chưa tiêm phòng, người dân chưa quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Để hạn chế sự xuất hiện trở lại của dịch CGC, huyện đang triển khai tiêm phòng vắc xin cúm H5N1 đợt 1-2012 tại 28 xã, thị trấn, đến ngày 10-3 hoàn thành. Nhưng cái khó hiện nay là thiếu vắc xin bởi toàn huyện có trên 1 triệu con GC mà chỉ được cấp 800 nghìn liều vắc xin nên các hộ chưa tiêm đang rất sợ dịch có thể quay trở lại.

Đến thời điểm này, dịch CGC đang có chiều hướng giảm dần nhưng các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân trong phòng, chống dịch CGC. Đặc biệt ở các tỉnh ĐBSCL là nơi có số lượng vịt chạy đồng nhiều nên các đơn vị của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương phải chỉ đạo tiêm phòng 100% cho đàn vịt, nhất là sắp tới vụ lúa đông xuân, đàn vịt chạy đồng khá nhiều. Tại Hà Nội, tình hình dịch CGC cơ bản ổn định nhưng các hộ dân và chính quyền địa phương không nên chủ quan. Hà Nội đang triển khai đồng loạt tiêm phòng vắc xin cúm H5N1, tính đến ngày 9-3 đã có 2,65 triệu lượt con GC đã tiêm, dự kiến đến ngày 20-3 sẽ kết thúc. Nhưng để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, vắc xin phát huy tác dụng tốt thì chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo dõi đàn GC sau khi tiêm. Các hộ dân nên áp dụng phương thức nuôi an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc nuôi vịt thả đồng, đồng thời mua vịt giống ở những cơ sở cung cấp giống an toàn đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm… Người dân cần tăng cường chăm sóc, tăng sức đề kháng cho vật nuôi để vẫn tiến hành chăn nuôi tốt trong điều kiện có dịch và cho hiệu quả kinh tế cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm nỗi lo mùa dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.