(HNM) - Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn vừa kết thúc hành trình thắp sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tại các tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An) đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Thắp nén tâm nhang tưởng niệm vong linh các Anh hùng liệt sĩ và tặng quà tri ân những người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp xuyên suốt hành trình về nguồn đầy ý nghĩa này.
Những món quà đầy tình nghĩa
Trở về với cuộc sống đời thường sau những tháng ngày tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1972 đến 1975, ông Nguyễn Linh Mục (xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mang trong mình chất độc hóa học và thương tật 25%. Trong suốt 40 năm qua, kể từ năm 1982 đến nay, ông Mục tình nguyện làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung - nơi yên nghỉ của 310 Anh hùng liệt sĩ.
“Những năm qua, các cấp chính quyền ở đây thường xuyên hỗ trợ vật chất cũng như động viên tinh thần đối với gia đình tôi. Tôi thực sự xúc động khi được nhận quà hỗ trợ đầy ý nghĩa của thành phố Hà Nội vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ”, ông Mục nói.
Khi tham gia giúp đỡ cách mạng trong giai đoạn ác liệt ở chiến trường Quảng Trị, bà Lê Thị Cuộc (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) bị thương, rồi bị địch bắt tù đày. Chiến tranh qua đi, với thương tật 31%, bà Cuộc gặp không ít khó khăn do không có công việc ổn định. Hiện tuổi đã cao, sức khỏe yếu đi nhiều, cuộc sống của bà càng thêm vất cả. Bà Cuộc chia sẻ: “Cuộc sống của tôi là gạo chợ, nước sông và hết tháng là hết tiền. Tôi thực sự biết ơn các nhà hảo tâm của thành phố Hà Nội đã tặng quà cho tôi”.
Không được may mắn như ông Mục hay bà Cuộc, ngay từ khi sinh ra, anh Nguyễn Xuân Bắc (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Tràm, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1968, đã không nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Anh Bắc xúc động nói: “Nghe mẹ kể lúc sắp sinh thì biết tin bố mất ngoài chiến trường nên mẹ khóc ròng và ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế, ngay từ khi sinh ra tôi đã không nhìn thấy ánh sáng. Giờ tôi đã có gia đình và hai con, nhưng mọi thứ đều phụ thuộc vào người khác. Tôi thực sự rất cảm động khi nhận được món quà ý nghĩa của thành phố Hà Nội trao tặng”.
Đó chỉ là ba trong số 10 gia đình có công với cách mạng gặp nhiều khó khăn được Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội tặng quà trong hành trình về nguồn lần này. Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã trao tặng học bổng, quà và xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng; trao hỗ trợ kinh phí hỗ trợ thực hiện an sinh xã hội cho hai tỉnh trị giá 6 tỷ đồng.
“Những món quà ý nghĩa này thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đối với thực hiện chính sách ưu đãi người có công, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ giữa Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng bày tỏ.
Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa
Chiến tranh đi qua để lại cho Quảng Trị biết bao đau thương mất mát. Nếu không tận mắt chứng kiến thì chúng ta khó có thể hình dung một địa phương đất không rộng, người không đông như tỉnh Quảng Trị lại có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Một số nghĩa trang liệt sĩ cấp xã có tới gần 2.000 mộ liệt sĩ; có xã có đến 3 nghĩa trang…
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng, toàn tỉnh có 19.172 liệt sĩ, 11.805 thương binh, 2.242 bệnh binh, 2.786 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự của Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 14.631 người có công với nước, 5.064 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc người có công là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu, là tình cảm và nhận thức rõ đó là trách nhiệm của những người đang sống với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đi qua hai cuộc kháng chiến, tỉnh Quảng Bình hiện có gần 150.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng (chiếm hơn 17% dân số) với hơn 13.000 liệt sĩ, trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, gần 20.000 thương, bệnh binh, hơn 6.300 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 2.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp Hà Nội đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Quảng Trị đã phối hợp, hỗ trợ huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện tại đây. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Hà Nội năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã phẫu thuật cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh và tổ chức nhiều hoạt động khác. Còn tại Quảng Bình, thành phố Hà Nội phối hợp, hỗ trợ huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội và các hoạt động thiện nguyện. Trong tháng 6-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đi thăm và trao tặng một số nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và hộ gia đình khó khăn.
Trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Những ngày qua, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố Hà Nội đã tổ chức đoàn thăm viếng và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và tặng quà tri ân các gia đình thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Trước anh linh của các Anh hùng liệt sĩ, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Đồng thời, ghi nhận những cố gắng trong công tác đền ơn đáp nghĩa mà các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã thực hiện thời gian qua, khi không quản ngày đêm chung tay chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ thêm trang nghiêm, ấm áp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.