Tháp Hoà Phong nằm ở bờ phía Đông hồ Hoàn Kiếm là dấu tích cuối cùng của ngôi chùa Báo Ân do Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai đứng ra quyên tiền xây dựng vào đời vua Triệu Trị (1841-1847).
Tháp Hoà Phong
( Ảnh tư liệu)
Chùa Báo Ân làm trên nền lầu Ngũ Long (do chúa Trịnh Giang cho xây vào năm 1740) thuộc đất thôn Cựu Lâu phường Tràng Tiền, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Chùa khá lớn, toạ lạc trên khu đất rộng hơn 100 mẫu, với 36 toà nhà lớn nhỏ, 235 gian. Để hoàn thành một công trình lớn, các thợ giỏi ở khắp Đông, Nam, Đoài, Bắc tập trung về làm trong 4 năm mới xong. Mặt trước chùa có tam quan trông ra sông Hồng, mặt sau sát bờ hồ có xây nhiều tháp nhỏ. Trong chùa có cảnh Thập điện Diêm Vương với hàng trăm pho tượng được tạo tác tinh xảo. Chùa dựng xong, Nguyễn Đăng Giai cho mở Trường Thi, quy định thuế chợ nộp vào chùa để dùng vào việc hương đăng. Nhằm hoằng dương phật pháp, ông lại bỏ tiền in ấn số lượng kinh sách tại chùa này.
Chùa Báo Ân còn có tên gọi Liên Trì, Liên Hoa do bốn xung quanh có hào nước bao bọc, sen nở phủ kín mặt hào. Chùa còn có tên là chùa Quan Thượng, bởi chùa do Thượng thư Nguyễn Đăng Giai hưng công. Khi các học giả người Pháp đến thăm chùa thấy khắc trên đá và gỗ ở chùa hàng loạt những khổ hình những kẻ có tội phải chịu ở thế giới bên kia liền gọi là chùa Khổ Hình.
Chùa Báo Ân là công trình nổi tiếng của thế kỷ XIX, người đương thời thường có thơ vịnh:
Gần xa nô nức tưng bừng,
Vào chùa Quan Thượng, xem bằng động tiên.
Lầu chuông, gác trống hai bên,
Trông ra chợ mới, Tràng Tiền kinh đô.
Khen ai khéo hoạ địa đồ,
Sau lưng Đồn Thuỷ, trước hồ Hoàn Gươm.
Phong quang cảnh trí trăm đường,
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng.
Rõ mười cửa động tưng bừng,
Đến vàng toà ngọc, chất từng như nêm.
Ông Trương Vĩnh Ký trong bài "Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1875) "đã miêu tả cảnh chùa: "Cảnh chùa này thật đã nên tốt, vô cửa hai bên có tháp cao, vào trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa. Cầu bắc tứ phía qua chùa cũng xây đá và gạch hẳn hoi. Xung quanh bốn phía có nhà hành lang, chạy dài ra sau giáp nhau. Đằng sau chùa có đền tạc hình ông Nguyễn Đăng Giai".
Năm 1883, Hà Nội thất thủ, quân Pháp chiếm chùa làm trụ sở cơ quan hậu cần. Tượng Phật, đồ thờ bị mất. Chùa rơi vào cảnh tiêu điều. Năm 1889, người Pháp làm con đường vòng quanh bờ hồ, những gì còn sót lại đều bị chuyển đi. Sau khi bị phá, ngôi chùa lớn chỉ còn lại ngọn tháp Hoà Phong.
Tháp Hoà Phong, tháp của gió thuận là điểm khởi đầu của chùa Báo Ân, tháp xây theo hình vuông, có 3 tầng. Hai tầng trên nhỏ dần, trên đỉnh tháp có 3 mái thu nhọn dần. Hai mặt tháp đối nhau có 3 chữ "Tháp Báo Thiên" (Tháp trả ơn). Hai mặt khác có 3 chữ "Tháp Hoà Phong". Tháp cao 6m, cửa dưới đáy rộng 1,1m, tầng 2 rộng 1m, cao 1,2 m, xây gạch Bát Tràng không trát vữa. Tầng 3 rộng 0,8m, cao 1m, chóp cao 0,8m. Tầng dưới có kiến trúc như một mái nhà vuông, mái bằng, to hẳn ra. Bốn mặt chính giữa có vòm thông sang nhau. Phía trên 4 góc tầng này xây 4 trụ vuông. Trên đỉnh 4 trụ cóss đắp 4 con lân chầu. Ở mỗi mặt đều viết 3 chữ Hán; "Báo Phúc môn" (cửa báo phúc), "Báo ân môn" (cửa báo ơn), "Báo Đức môn" (cửa báo đức)
"Báo Nghĩa môn" (cửa báo nghĩa). Ở hai mặt Đông và Tây của tầng 2 có đắp hình bát quái, biểu tượng của Đạo giáo.
Tháp Hoà Phong "công trình nhỏ bé này rất đơn giản nhưng có tỷ lệ duyên dáng" nhận xét của học giả Pháp Anđré Masson). Với những đường nét, hình vẽ, ký tự còn lại trên ngọn tháp, ẩn chứa thông điệp của người xưa. Có nhà nghiên cứu lý giải: "Tháp Hoà Phong là nơi gặp gỡ của 3 tôn giáo Nho, Phật, Đạo. Đây là nét cá biệt trongs kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam"
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.