Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thao thức cùng đất võ Hà thành

Hà Minh Luân| 09/12/2012 06:43

(HNM) - "Treo ấn từ quan", ông khoác ba lô lên đường, rong ruổi từ Bắc chí Nam, chỉ với mong muốn duy nhất là tìm về nguồn cội của nền võ học cổ truyền dân tộc, vốn đang bị mai một bởi các trào lưu ngoại nhập…

Người mà chúng tôi nhắc tới là võ sư, nhà nghiên cứu Phạm Phong, hiện là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm UNESCO bảo tồn, phát triển VH-TT dân tộc Việt.

- Thưa võ sư, vì sao ông lại xin thôi chức lãnh đạo Sở TD-TT tỉnh Bình Định (nay là Sở VH-TT&DL) để đi nghiên cứu võ thuật?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Định, bởi vậy mà ngay từ bé đã nung nấu niềm tự hào về truyền thống võ học của quê nhà. Sau này, khi giữ cương vị Phó Giám đốc Sở TD-TT Bình Định, tôi trực tiếp đến các làng võ để sưu tầm tư liệu, gặp gỡ các võ sư lão thành. Kết quả thật buồn khi tôi phát hiện nhiều nơi trước đây được coi là cái nôi của võ cổ truyền thì nay hầu hết đã biến dạng hoặc thất truyền. Các trường võ, trung tâm thể thao được mở ra tràn lan không phải để gìn giữ võ thuật cổ truyền mà đa số chạy theo giá trị kinh tế khi chọn các môn võ ngoại nhập thời thượng để dạy. Trước thực trạng đó, tôi xin thôi chức để trực tiếp tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn của phong trào tập luyện võ cổ truyền.

Võ sư Phạm Phong hướng dẫn một thế võ cổ truyền Việt Nam cho võ sĩ Hàn Quốc.


- Những lần về các làng võ đã cho ông những ý tưởng như thế nào?

- Về các làng võ ở Bình Định và một số địa phương khiến tôi trăn trở hơn. Thực tế cho thấy, phong trào tập luyện võ cổ truyền gần như đã mai một, trong khi các tư liệu quý hầu như thất lạc theo thời gian. Càng buồn hơn khi các võ sư lớn tuổi hầu hết đã qua đời, hệ quả là võ học cổ truyền không còn người kế thừa. Con cháu, học trò các môn phái vì mưu sinh phải bỏ làng đi làm ăn tứ tán dẫn đến tình trạng một số làng võ nổi danh trước đây, nay không còn người truyền dạy, kế tục. Nếu kéo dài thực trạng này thì võ cổ truyền sẽ mãi mãi đi vào lịch sử.

Lo lắng như vậy, tôi đã "gõ cửa" nhiều nơi và tự bỏ kinh phí đi khắp từ Nam ra Bắc, trong đó có thời gian khá dài ở Hà Nội để vào Văn Miếu, thăm các đền chùa, làng võ, di tích lịch sử với mục đích ghi chép trực tiếp lời kể của các võ sư cao tuổi, với hy vọng những tư liệu này sẽ được gìn giữ cho nhiều đời sau.

- Ông đã thu thập được những tư liệu gì khi nghiên cứu về phong trào võ thuật cổ truyền của vùng đất Hà thành?

- Tôi đã nhiều lần đến các làng võ ở Hà Nội và sưu tầm được nhiều tư liệu, sách sử về võ học, đồng thời phát hiện thêm một số di chỉ, hiện vật, làng võ, dòng tộc uyên bác cả văn lẫn võ, trong đó có những gia đình "Tiến sĩ võ", "Cử nhân võ", các võ tướng, võ quan, võ sư từng có công khai sáng nền võ học của đất Thăng Long xưa. Nổi bật như di chỉ Giảng Võ đường, Đài đấu Vũ Đình, Xạ Đình (trường tập bắn và luyện võ công)… được xây dựng từ thời nhà Lý ở phường Giảng Võ hiện nay và phía tây - nam Kinh thành Thăng Long. Nơi đây còn là quê hương của các Đại võ tướng lừng danh như Lý Tiến, Lý Thân, Đào Kỳ, Phương Dung, Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Phạm Tu, Nguyễn Quyền, Phan Tuấn Phong, Cả Trọng, Thống Luận, Đỗ Hải… Đặc biệt, tôi bất ngờ vì vùng Thăng Long còn có nhiều người đỗ Tạo sị, Tạo toát (tương đương Tiến sĩ võ, Cử nhân võ sau này) trong số hơn 200 người được vinh danh thời hậu Lê như dòng họ Phạm (Phạm Hữu Tá), họ Nguyễn (Nguyễn Đình Tuân), họ Lê (Lê Thế Quýnh), họ Trịnh (Trịnh Tự Đĩnh), họ Trương (Trương Văn Băng), họ Bùi (Bùi Duy Thiện), cùng nhiều vị khác. Vừa qua, tôi cũng tình cờ phát hiện được nơi tọa lạc của di tích Võ Miếu - Hà Nội khi căn cứ vào bức ảnh chụp toàn cảnh thành Hà Nội vào năm 1873. Võ Miếu nằm ngay vị trí gần khu vực đường Hoàng Diệu, bên góc phải của lầu Đoan Môn còn hiện hữu.

Võ sư Phạm Phong tặng sách Lịch sử Võ học Việt Nam cho ông Soh Byung Yong - Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới.


Qua nghiên cứu, tôi rất ấn tượng khi thấy sự nghiệp võ cổ truyền dân tộc ở vùng đất này đến nay ít bị pha tạp nhất so với nhiều vùng khác trong cả nước. Bằng chứng là ở đây hiện có sự phát triển vượt bậc cả về chất lượng lẫn số lượng của nhiều môn phái, võ đường lớn như Thăng Long Võ Đạo, Nam Hồng Sơn, Trúc Lâm Nội Gia, Lâm Sơn Động, Nhất Nam, Võ Lâm Phật Gia, Thanh Phong Võ Đạo… Các môn phái này do các võ sư lừng danh khởi dựng, tiêu biểu như Vũ Bá Oai, Nguyễn Nguyên Tộ, Trần Công, Nguyễn Tỵ, Trần Đình Tùng, Tô Tử Quang, Nguyễn Văn Nhân, Điều Đỏ, Cử Tốn, Nguyễn Văn Vọng…

Như vậy, Hà Nội không chỉ là trung tâm của nền văn hóa lâu đời mà còn là trung tâm của nền võ học cổ truyền của dân tộc. Tôi hy vọng, công trình Võ Miếu sẽ sớm được phục dựng, tu bổ, để cùng với Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo nên quần thể kiến trúc văn hóa - lịch sử, tái hiện đầy đủ cốt cách, truyền thống "Sáng ngời văn trị, lẫy lừng võ công" của chốn Kinh kỳ…

- Có người cho rằng, vùng đất Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội từng là nơi cổ súy nhiều nhất cho tính nhân văn trong võ học? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo các bậc thánh hiền, một trong những phẩm hạnh cao quý nhất để hình thành nên nhân cách sống và tư chất của con người, đó là "Lễ". "Lễ" vừa là phẩm giá, lễ nghi nhân bản, vừa là quy phạm văn hóa đạo đức. Trong võ thuật, "Lễ" còn được coi là một trong những phương cách thiết thân, giúp con người tự tu tâm, dưỡng tính, hoàn thiện về nhân phẩm, nghĩa khí, trí tuệ...

Trên nền tảng như vậy, ở vùng đất Đại La - Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và một số địa phương khác đã sớm hình thành xu hướng "Lễ" trong võ học, bao gồm: Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử, Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc... Chính vì vậy, có thể thấy rằng nơi đây đã hình thành ngay từ đầu một truyền thống võ học mang tính nhân văn cao cả. Để trở thành một võ sĩ chân chính, việc học "võ lễ" được coi như một nội dung bắt buộc, không được xem nhẹ hoặc bỏ qua. Cũng chính bởi lý do này mà người xưa có câu: "Đệ tử tầm sư dị. Sư phụ tầm đệ tử nan". Đại ý, là việc học trò tìm thầy để học không mấy khó, nhưng người thầy tìm được học trò có lễ không phải dễ. Ấy chính là tính nhân văn của võ học.

- Cảm ơn võ sư!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thao thức cùng đất võ Hà thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.