Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách GPMB

Tuấn Lương| 02/12/2010 07:23

(HNM)- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và lãnh đạo các sở, ngành đã làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) một số dự án giao thông đô thị trên địa bàn, đặc biệt là dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.


Phối cảnh dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.


Năm 2010, huyện Gia Lâm thực hiện công tác GPMB 6 dự án đường giao thông trọng điểm, trong đó có hai dự án trọng điểm cấp quốc gia là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Theo ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện, ngay sau khi có quyết định thu hồi đất của hai dự án nói trên, huyện đã tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân. Tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng diện tích đất phải thu hồi là 56ha, trong đó có 2,15ha đất ở và 53,85ha đất nông nghiệp thuộc các xã Đông Dư, Đa Tốn và Kiêu Kỵ với 963 hộ dân liên quan. Đến nay đã GPMB xong 52,5ha đất nông nghiệp, đất chuyên dùng liên quan đến 900 hộ dân. Huyện đang tập trung chỉ đạo GPMB gần 3,5ha đất ở của 113 hộ dân. Khó khăn lớn nhất là người dân cho rằng giá bồi thường đất ở theo quy định của TP quá thấp so với giá thị trường. Các hộ dân kiến nghị được giao đất ở tái định cư bằng diện tích đất ở bị thu hồi hoặc có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với phần đất ở bị thu hồi nhưng không được giao đất tái định cư.

Dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có tổng diện tích đất thu hồi là 42,75ha, gồm 0,61ha đất ở và 42,14ha đất nông nghiệp và đất khác thuộc hai xã Yên Thường và Ninh Hiệp. Đến nay đã GPMB được 35,27ha đất nông nghiệp, đất công. Huyện đang lập hồ sơ phương án bồi thường GPMB trên diện tích 7,48ha, trong đó có 0,61ha đất ở tại xã Ninh Hiệp liên quan đến 50 hộ dân. Tuy nhiên lại nảy sinh vướng mắc bởi các hộ đều có cùng nguồn gốc đất nhưng một số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, trong khi các hộ khác lại không được cấp. Bên cạnh đó, giá đất ở theo quy định của TP là 2,8 triệu đồng/m2, nhưng giá đất tái định cư các hộ phải nộp lại là 3,28 triệu đồng/m2 nên dân không có tiền mua. Đề nghị TP cho phép bồi thường hỗ trợ đất ở cho 50 hộ theo cùng giá đất ở là 2,8 triệu đồng/m2.

Liên quan đến cơ chế đền bù, hỗ trợ, tái định cư, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP cho rằng, những kiến nghị của huyện là hợp lý và có thể xem xét giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với đất tái định cư các hộ được mua thì căn cứ vào diện tích thu hồi, nhân khẩu, số hộ sinh sống trên cùng một diện tích nhưng tối thiểu khống chế ở mức 50% như chính sách chung. Đại diện Sở TN&MT bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương điều chỉnh hạ thấp giá đất tái định cư để phù hợp với tiền đền bù GPMB của dân. Với một số vướng mắc khác như đất ki ốt, đất khu liên cơ, đều thuộc thẩm quyền của huyện nên huyện toàn quyền xử lý theo quy định.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu huyện Gia Lâm sớm làm tờ trình, trong đó có ý kiến của liên ngành để TP phê duyệt làm cơ sở triển khai. Ban Chỉ đạo GPMB TP chủ trì cùng các ngành phối hợp chặt chẽ với huyện và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB, để sớm hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án. Về nguồn vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ hai dự án trọng điểm, huyện Gia Lâm và các ngành khẩn trương bàn phương án, không chỉ trông chờ vào ngân sách TP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách GPMB

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.