(HNMO) - Sáng nay, 1-7, Hội nghị sơ kết tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022 được Bộ Tài chính tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các bộ ngành, địa phương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải dự tại điểm cầu Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tính đến hết tháng 6-2022, giá trị giải ngân vốn ODA kế hoạch năm 2022 của Hà Nội như sau: Theo số liệu đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi và xác nhận hoàn thành (cập nhật trên phần mềm đầu tư liên ngành) là 800.247 triệu đồng, đạt 15,5% kế hoạch (bao gồm vốn ODA cấp phát: 509.935 triệu đồng, đạt 13,41% kế hoạch; vốn ODA vay lại: 290.312 triệu đồng, đạt 21,42% kế hoạch). Còn theo số giải ngân đã thực hiện qua Bộ Tài chính và nhà tài trợ là 649.311 triệu đồng, đạt 12,59% kế hoạch (bao gồm vốn ODA cấp phát: 358.999 triệu đồng, đạt 9,44% kế hoạch; vốn ODA vay lại 290.312 triệu đồng, đạt 21,42% kế hoạch).
Có sự chênh lệch là bởi hiện còn khoản thanh toán 150.936 triệu đồng của dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang vướng thủ tục điều chỉnh tên chủ đầu tư tại hiệp định vay nên chưa giải ngân được.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra trong quý I-2022 là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ thực hiện/giải ngân các dự án bị ảnh hưởng. Ngoài ra, do các nguyên nhân tồn tại từ các năm trước nên các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn hiệp định vay. Chẳng hạn, dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội vướng mắc về việc cơ cấu lại dự án, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ (theo dự án chính là dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3) và rà soát lại một số nội dung về chi phí theo quy định của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16-12-2021 về quản lý ODA để điều chỉnh hiệp định vay sau khi dự án được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh vào tháng 5-2021, hiện đang làm việc với nhà tài trợ để điều chỉnh hiệp định vay trong quý III-2022...
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, UBND thành phố Hà Nội đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, Thanh tra Chính phủ xem xét các vấn đề trong kết luận thanh tra trong bối cảnh việc triển khai dự án là loại hình dự án thí điểm lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật, cho phép thanh toán cho tư vấn các khối lượng công việc hoàn thành của hợp đồng trọn gói.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng FIDIC đã ký và việc tuân thủ hợp đồng sẽ được áp dụng trong trường hợp có sự khác biệt đối với quy định Việt Nam; cho phép áp dụng theo các tiêu chuẩn nước ngoài của dự án trong trường hợp có sự khác biệt với quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; cho phép áp dụng lập, phê duyệt dự toán giá trị công trình, giá trị sửa đổi, bổ sung theo đánh giá hoặc quyết định của Tư vấn thực hiện dự án; bổ sung, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành, quy định chung cho chuyên ngành đường sắt đô thị...
UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị các nhà tài trợ xem xét đẩy nhanh thủ tục xét duyệt giải ngân, ký điều chỉnh, bổ sung các hiệp định vay cho các dự án khi hoàn thành xong thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.