Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ rào cản từ các FTA

Trọng Ngôn| 22/03/2023 06:56

(HNM) - 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đem lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, giúp mở rộng thị trường, tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đằng sau "cánh cửa" đã mở là những rào cản kỹ thuật. Bởi vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần có hướng tiếp cận mới để tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Hào Hưng (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Dũng Minh

Chưa tận dụng được lợi thế

Hiện tại Việt Nam đã tham gia và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trên thế giới. Có thể thấy, cơ hội và những “quả ngọt” mang lại khi thực hiện FTA trong xuất khẩu là rõ ràng. Năm 2022, Việt Nam duy trì xuất siêu sang các thị trường hơn 30 tỷ USD. Thành tích này có sự đóng góp rất lớn từ các FTA mang lại. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng triệt để lợi thế mang lại từ việc gia nhập các FTA.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mới đạt 20%, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đạt hơn 22% và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới chỉ 6%. Còn theo khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), năm 2022, hơn 46% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh; 40% doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA.

Thời gian qua, có không ít doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh gặp khó từ các rào cản kỹ thuật (tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa...) khiến các ưu đãi từ FTA chưa được phát huy tối đa. Theo Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (FFA), các nước nhập khẩu đã đặt ra các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn, nhất là các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm chế biến. Chủ tịch FFA Lý Kim Chi cho biết, một số doanh nghiệp còn bị động khi tiếp cận các thay đổi về quy định tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp kiểm soát, phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường nhập khẩu có ký FTA và dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất khẩu được.

Thực trạng này cũng đang diễn ra đối với ngành chế biến và xuất khẩu tôm. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ do chậm thay đổi để thích ứng dẫn đến gặp khó khăn tiếp cận thị trường, thậm chí mất khách hàng. Đơn cử, mới đây một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm bị mất thị trường EU chỉ vì không thay đổi khay nhựa đóng gói mà khách hàng yêu cầu.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Với 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao đang hoạt động, thành phố Hồ Chí Minh được xem là “thủ phủ” xuất khẩu của cả nước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 7,5 tỷ USD, chiếm hơn 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện ngành sản xuất và chế biến gỗ của thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường và tăng giá trị xuất khẩu khi các thị trường nhập khẩu đang định vị lại chuỗi cung ứng.

Theo Giám đốc Công ty Nội thất New GBI (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) Đặng Minh Lành, chuỗi cung ứng sản phẩm từ gỗ đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong nước. Còn theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Khanh, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại thành phố Hồ Chí Minh sở hữu năng lực sản xuất tốt, quản lý hiệu quả, lực lượng lao động hùng hậu, có tay nghề cao. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ của thành phố mở rộng thị trường, đặc biệt các thị trường đã ký kết FTA.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của thành phố cần tận dụng cơ hội để khai thác những thị trường cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần thay đổi phương thức tiếp cận và tìm hiểu nhu cầu, xu hướng thị trường thế giới, từ đó chọn lọc sản phẩm phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, nhất là yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, kỹ thuật để tránh các rào cản khi xâm nhập vào thị trường của các nước đã ký kết FTA.

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thành phố sẽ tạo điều kiện, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng thông lệ giao thương quốc tế. Thành phố khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu; làm cầu nối để khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức phân phối hàng hóa Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh vào hệ thống phân phối tại nước nhập khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ rào cản từ các FTA

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.