Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ “nút thắt” về quy hoạch

Việt Tuấn| 07/01/2022 07:20

(HNM) - Kết thúc đợt giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Thường trực HĐND thành phố nhận định, sau khi có Luật Quy hoạch, các đơn vị, địa phương đã tham mưu cho thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định liên quan. Song, thực tiễn còn một số tồn tại, “nút thắt” cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Vướng nhiều nơi

Từ năm 2017 đến nay, các sở chuyên ngành đã tham mưu với UBND thành phố ban hành 42 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch, đồng thời hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện. Dù vậy, qua giám sát ở cơ sở cho thấy, việc thực hiện công tác quy hoạch còn nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trên địa bàn huyện mới có 4/6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được duyệt; 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng R1-5 và sông Đuống R6 chưa được duyệt, gây khó khăn cho công tác quản lý và triển khai dự án đầu tư. Cùng với đó, quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm chưa được phê duyệt, dẫn đến không có căn cứ triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết và các dự án phát triển tại khu vực nông thôn nằm ngoài phạm vi quy hoạch phát triển đô thị.

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Ngọc Vân, quận có nhiều đồ án quy hoạch, chiếm 22,3% diện tích toàn quận. Trên thực tế triển khai, quận gặp nhiều khó khăn do quá trình lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất hằng năm ít được người dân quan tâm... Trong khi đó, tại quận Hoàng Mai, một số quy hoạch trường học lập trên cơ sở nghĩa trang hiện hữu, hoặc quy hoạch công viên cây xanh vào nơi người dân đang sinh sống ổn định cũng không khả thi.

Bà Hoàng Thị Thanh (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phản ánh, tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng nhà để bán, không quan tâm xây dựng công trình công cộng theo quy hoạch nên người dân bức xúc.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tình trạng chậm duyệt các quy hoạch đô thị, phân khu là do thời gian xin ý kiến của các bộ, ngành kéo dài. Đặc biệt, với những vấn đề vướng mắc phát sinh, thành phố có văn bản xin ý kiến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp trên, nhưng nhiều trường hợp chỉ trả lời chung chung, không có hướng dẫn cụ thể, quan điểm không rõ dẫn đến rất khó khăn trong việc thực hiện.

Sớm điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên nhận định, công tác quy hoạch có tác động lớn đến quyết định đầu tư phát triển hạ tầng khung và định hướng phát triển đô thị, nông thôn. Vì thế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện quy hoạch cần được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chú trọng hơn nữa. Trước mắt, các đơn vị, địa phương của thành phố phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả trong công tác quy hoạch thuộc phạm vi quản lý để điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh những nội dung, vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp. Đồng thời đề xuất các phương án phù hợp, tích hợp trong quy hoạch Thủ đô, cũng như Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm khắc phục được những hạn chế của quy hoạch trước.

“Cần rà soát các dự án đã được phê duyệt nhưng chậm tổ chức thực hiện gây bức xúc trong nhân dân để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất kiến nghị thành phố có biện pháp xử lý thu hồi nhằm phục vụ lợi ích của địa phương, nhân dân, bảo đảm hiệu quả quy hoạch. Đây là vấn đề quan trọng liên quan nhiều cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở, trong đó vai trò, sự chủ động của quận, huyện, thị xã là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định”, đồng chí Phạm Quí Tiên khẳng định.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn thông tin, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn chuyên môn cho các quận, huyện, thị xã trong công tác rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế, đề xuất bổ sung, điều chỉnh các phương án quy hoạch tích hợp, bảo đảm đầy đủ, chính xác, thực chất, hiệu quả.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, “nút thắt” lớn chính là việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vì qua giám sát, nhiều dự án chậm do còn chờ việc điều chỉnh trên. Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch, ban hành kế hoạch về việc tổ chức thực hiện lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang phối hợp cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện báo cáo rà soát, hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ “nút thắt” về quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.