(HNMO) - Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong đó, việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Có biện pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án. Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.
“Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội? Đồng thời, có biện pháp gì để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?”, đại biểu nêu.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đề cập về vấn đề mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà giá rẻ là điểm mấu chốt chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động. Theo đại biểu, mục tiêu trên còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2.
Trước thực trạng trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013 hoặc thủ tục về thẩm định giá nhà ở xã hội, thủ tục xác định về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội… đã dẫn đến các thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với các thủ tục xây dựng nhà ở thương mại, khiến kéo dài thời gian thực hiện, làm cho nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc. Kết quả là số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này?
Khâu tổ chức thực hiện nhà ở xã hội còn hạn chế
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn.
Cụ thể, hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Khâu tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...
Cho rằng, tình hình triển khai, phát triển nhà ở xã hội còn chưa đạt yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.
Thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về sửa đổi các luật liên quan, qua đó cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, nếu thực hiện được đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thì nguồn cung và giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra như: Giải pháp liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.