Đây là nội dung được tập trung trao đổi tại Hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng năm 2023 diễn ra hôm nay, ngày 12-9.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho hay, trong những năm gần đây, công nghiệp mà đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những “điểm nghẽn”.
Đầu tiên là nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu; công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, công nghiệp nặng chiếm tỷ trọng thấp, công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế…
Ngoài ra còn những hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Để gỡ những “điểm nghẽn” trên, Bộ Công Thương đã và đang tập trung thực hiện nhiều chính sách, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, một trong những giải pháp là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
“Vai trò của địa phương ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương”, ông Hải nhấn mạnh.
Là địa phương thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp mạnh mẽ với quy mô vốn đầu tư tương đương khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2020, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 21,78%, Quảng Nam tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá.
Theo ông Võ Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, nhờ vào sự hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà tỉnh này có điều kiện phát triển công nghiệp.
Trong đó, tỉnh nhấn mạnh vai trò của các chính sách với sự phát triển công nghiệp, tiếp đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút được nhiều dự án FDI cũng như các dự án đầu tư trong nước. Cuối cùng là chính sách phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã tạo cho Quảng Nam có lợi thế rất lớn về kết nối với các địa phương lân cận, vùng Tây Nguyên, Lào và Campuchia, vì vậy có thể phát triển và tạo lập các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh kiến nghị Đà Nẵng cần đẩy mạnh cơ chế huy động nguồn vốn xã hội hóa; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn bằng cơ chế, chính sách của thành phố; xây dựng và phát triển hạ tầng công nghiệp tại địa phương đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phát triển…
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở Công Thương Đà Nẵng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cùng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Khu vực miền Trung.
Dịp này, Hội Cơ khí thành phố Đà Nẵng và Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.