Góc nhìn

Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

Đình Hiệp 14/10/2024 - 09:59

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán giải ngân đầu tư công từ đầu năm 2024 đến ngày 31-8 cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch và đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 về tỷ lệ cũng như thấp hơn khoảng 25.000 tỷ đồng về số giải ngân tuyệt đối.

dau-tu-cong.jpg
Thành phố Hà Nội triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân này không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch. Còn Hà Nội được giao hơn 81.033 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.

Đáng nói vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn, song tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Nhiều dự án tắc nghẽn vì công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Trong khi tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng không đạt kỳ vọng khiến áp lực giải ngân những tháng cuối năm rất lớn với các bộ, ngành, địa phương. Trước yêu cầu cấp thiết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8-10-2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao.

Để giải ngân đầu tư công đạt kết quả, trước hết các đơn vị liên quan cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.

Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc cả về cơ chế, chính sách lẫn sự ỳ chệ của bộ máy, con người trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện “quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện với tinh thần “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”… như tinh thần tại công điện.

Đối với các đơn vị, địa phương, cần có giải pháp cụ thể theo tình hình thực tế. Trong đó, việc phân công thực hiện phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả, hạn chế tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm” của các cán bộ, công chức được phân công phụ trách lĩnh vực này. Sẵn sàng thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, cần chú trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Bên cạnh nhiệm vụ phát huy tối đa hiệu quả của vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, việc tạo thêm nguồn lực cho đầu tư công thời gian tới rất cần thiết đối với mỗi đơn vị, địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.