Sông Đáy đoạn qua thành phố Hà Nội bắt nguồn từ huyện Phúc Thọ chảy qua các quận, huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Đông, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Từ năm 2014, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7-10-2014 phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn, vì không được cấp phép xây dựng, cải tạo các công trình kiên cố, không được hoàn thiện các thủ tục để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đơn cử như gia đình ông Phạm Văn Bội, ở tổ dân phố Đoàn Kết, phường Biên Giang (quận Hà Đông), dù có đơn xin được xây sửa nhà ở cách đây 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, dù ông đang sống trên mảnh đất hợp pháp. Ông Bội cho biết, gia đình ông có 7 khẩu đang sinh sống trong ngôi nhà cũ được xây dựng từ vài chục năm trước đã quá chật chội và xuống cấp. Lý do chính quyền địa phương chưa chấp nhận việc xây sửa nhà ở vì vướng quy hoạch.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Đông La, huyện Hoài Đức phản ánh, trên địa bàn huyện, một số xã có phần diện tích đất thổ cư nằm ven sông Đáy, người dân sinh sống nhiều đời, như xã Đông La, Vân Côn, nhưng nằm trong quy hoạch phòng, chống lũ và bảo vệ đê điều hệ thống sông Đáy. Theo quy định, khu vực này không được cấp phép xây dựng, cải tạo các công trình kiên cố, không được hoàn thiện các thủ tục để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... “Năm nào người dân cũng đề nghị các cấp tháo gỡ vướng mắc, song vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội quan tâm tháo gỡ cho các xã trong hành lang thoát lũ được đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội; nếu phải di dời, đề nghị có kế hoạch và lộ trình để người dân được biết và thực hiện...”, bà Hoa nói.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2014, sau khi có Quyết định số 1821/QĐ-TTg, nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn về vấn đề nhà ở, vì không được xây dựng mới; việc sửa chữa cũng vướng nhiều rào cản. Trong khi đó, đất ở của những hộ gia đình trên đa phần đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng nhà ở từ lâu và sử dụng trước thời điểm Quyết định số 1821/QĐ-TTg được ban hành.
Không chỉ với những công trình của người dân, việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ đời sống dân sinh ở nhiều xã nằm trong quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy cũng khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Khuất Quang Cảnh cho biết, huyện có 8 xã nằm trong khu vực này, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng những năm qua chưa triển khai được vì vướng quy hoạch.
Quyết định số 1821/QĐ-TTg ban hành đã hơn 10 năm. Các hộ dân trong vùng quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng tháo gỡ để các gia đình ổn định chỗ ở, đời sống và để chính quyền cơ sở tăng cường đầu tư cho hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.