(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình thế buộc phải hành động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững. Chính phủ sẽ xem xét thí điểm quy chế phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 27-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh. Dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và đại diện các cấp, các ngành, địa phương của thành phố.
Kinh tế phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện
Báo cáo về kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 ước đạt 656.119 tỷ đồng, tăng 16% (4 tháng đầu năm 2022 giảm 1,7%, 5 tháng tăng 0,6% và 6 tháng tăng 6,2%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố 7 tháng năm 2022 đạt 282.000 tỷ đồng, đạt 73,2% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, 7 tháng năm 2022, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện. Năm 2022, thành phố tập trung mọi nỗ lực để phục hồi kinh tế, bù đắp những tổn thất do dịch Covid-19 trong 2 năm 2020-2021, tạo tiền đề để có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong 3 năm 2023-2025, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8-8,5%/năm như mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tính đến ngày 26-7, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố mới chỉ đạt 25% dự toán, là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp trong 7 tháng năm 2022. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác: Tổ giải phóng mặt bằng, tổ ODA, tổ tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề cấp bách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội thành phố, như về việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép UBND thành phố được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần diện tích đất công nằm xen cài trong khu đất dự kiến tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Về công tác quản lý nhà, đất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; đồng thời giao Bộ Tài chính sớm hướng dẫn thành phố thực hiện việc giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố, đồng thời hướng dẫn thành phố phương pháp xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê các tài sản nêu trên.
Về quỹ đất thanh toán cho các hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đối với 2 dự án (dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1; dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, thành phố Thủ Đức), thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng các khu đất đã được xác định để thanh toán cho nhà đầu tư, phù hợp với quy hoạch của thành phố theo đúng quy định hiện hành.
Về vướng mắc tại các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương), thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận bố trí bổ sung phần vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại; đồng thời chấp thuận chủ trương cho phép UBND thành phố tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án này.
Về bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ (dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức), thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn cho 3 bệnh viện trên với tổng nhu cầu vốn là 4.500 tỷ đồng.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chi quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề khác như: Về dự án bồi thường giải phóng mặt bằng được quyết định chủ trương đầu tư độc lập với dự án xây lắp theo Luật Đầu tư công năm 2019; về vướng mắc khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh; về vướng mắc trong thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách đối với một số lĩnh vực cụ thể; về quản lý doanh nghiệp nhà nước; về tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ, công chức phường, xã…
Liên quan đến việc tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, thành phố kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hỗ trợ thành phố trong quá trình tổng kết và trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét ban hành các nghị quyết mới theo cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc rất cấp bách nhưng phải theo quy trình, quy định của pháp luật, trong đó có những quy định còn bất cập. Tuy nhiên, nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ làm chậm lại quá trình phát triển. Lấy dẫn chứng đường Vành đai 3, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, nếu không khẩn trương triển khai (dù phải thông qua nhiều cấp, nhiều ngành) sẽ có nguy cơ chậm tiến độ. Từ đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, thành phố đang trong tình thế buộc phải hành động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng trọng điểm để đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với thành phố để xử lý các vướng mắc, tồn đọng
Kết luận buổi làm việc, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, tri ân đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng của thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của thành phố Hồ Chí Minh, ý chí “vượt lên chính mình” trong khó khăn, thách thức để đạt được những kết quả rất quan trọng trong 7 tháng vừa qua.
Bên cạnh biểu dương những kết quả nổi bật, Thủ tướng đã chỉ ra một số hạn chế mà thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý khắc phục như: Tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực chưa cao. Công tác thực hiện các dự án đầu tư công còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của vùng và cả nước; một số vấn đề bức xúc chậm được khắc phục, nhất là vướng mắc nảy sinh trong thực hiện một số đề án, dự án...
Phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, có khó khăn, thuận lợi đan xen, song khó khăn nhiều hơn. Do đó, bên cạnh những định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm đã nêu tại cuộc làm việc năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở một số phương hướng, nhiệm vụ thành phố cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố không được có tâm lý chủ quan, lơ là; tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt chú ý tới diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với các biến chủng mới (BA.4, BA.5); tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định...
Thủ tướng yêu cầu thành phố tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, các chương trình, dự án còn vướng mắc, có điểm nghẽn để giải quyết; tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thành phố cần tập trung rà soát, bổ sung giải pháp, quyết tâm thực hiện đạt và vượt 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6%-6,5%. Thành phố đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thực hiện 51 chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
"Thành phố phải góp phần quan trọng cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo 5 cân đối lớn của nền kinh tế", Thủ tướng yêu cầu.
Cũng theo Thủ tướng, thành phố tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phân cấp, phân quyền; phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.
Thành phố tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; tập trung rà soát quy hoạch đô thị; tiếp tục chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm hiệu quả...
Liên quan đến những vấn đề vướng mắc tại các dự án đầu tư trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với thành phố để xử lý trên nguyên tắc tìm giải pháp, tìm cơ chế chính sách để xử lý các vướng mắc, tồn đọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu xây dựng thí điểm đầu mối trao đổi trực tiếp giữa người đứng đầu các bộ, ngành và người đứng đầu UBND thành phố để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang bị ách tắc do quy định của pháp luật còn bất cập. Thủ tướng cũng cho biết, những gì thực tiễn đặt ra nhưng vướng các quy định của pháp luật, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, sẽ xem xét thí điểm quy chế phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc tại thành phố Hồ Chí Minh.
* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã khảo sát Dự án Metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên và địa điểm xây dựng nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công từ năm 2012, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành đến depot Long Bình với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án metro số 1 ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 17.388 tỷ đồng, hoàn thành vào quý IV-2021. Sau đó điều chỉnh lên thành 43.700 tỷ đồng, dự kiến chạy thử từ giữa năm 2022 và đưa vào khai thác năm 2023. Gần đây, thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên hoàn thành vào cuối quý IV-2023.
Sau khi nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án và các vấn đề liên quan; trong quá trình khảo sát, tham quan nhà ga Bến Thành và nhà ga Ba Son trên tuyến metro, Thủ tướng Chính phủ gặp và trao đổi với lãnh đạo thành phố, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), lãnh đạo nhà thầu Nhật Bản Sumitomo.
Thủ tướng đề nghị các nhà thầu động viên kỹ sư, công nhân đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, xây dựng tuyến metro đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật; đề nghị thành phố quy hoạch, xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kết nối đồng bộ, đảm bảo cảnh quan, khai thác hiệu quả các công trình.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị các đối tác Nhật Bản, với kinh nghiệm triển khai tuyến metro số 1 này, xem xét cấp ODA thế hệ mới và làm các tuyến metro tiếp theo tại thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt là tuyến số metro số 2 và tuyến 3A nối tới tuyến đường đi các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị phối hợp tháo gỡ các vướng mắc nếu có; đảm bảo thủ tục nhanh chóng; xử lý những bất cập, tổ chức thi công nhanh và chắc chắn.
* Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khảo sát địa điểm dự kiến thực hiện dự án xây dựng nút giao An Phú, thành phố Thủ Đức - một trong những dự án cửa ngõ giảm ùn tắc cho điểm đầu cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường vào cảng Cát Lái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.