(HNM) - Biến đổi khí hậu và những bất cập trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất… đã khiến các tỉnh miền núi phía Bắc hứng chịu những thiệt hại nặng nề.
Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, từ năm 2014 đến nay, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2014, loại hình thiên tai này đã làm 19 người chết và mất tích, năm 2015 là 20 người, năm 2016 là 31 người. Đặc biệt năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đã làm 95 người chết, mất tích, thiệt hại về tài sản gần 5.900 tỷ đồng…
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ủy viên Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai: Nguyên nhân lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền núi phía Bắc là do địa hình dốc đứng; mưa lớn dài ngày; diện tích rừng suy giảm; nhân dân còn duy trì tập quán sinh sống ven sông suối, sườn đồi, núi; công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế…
Về những hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo, đại diện các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… cho biết, hiện nay thông tin dễ bị "nhiễu" do nhiều cơ quan cùng phát cảnh báo khiến công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương gặp khó khăn. Hơn nữa, nội dung các bản tin cảnh báo còn chung chung, phạm vi cảnh báo rộng… khiến chính quyền cấp cơ sở gặp khó trong xử lý. Đặc biệt, trong các bản tin dự báo, cảnh báo hiện nay chưa cụ thể lượng mưa, lưu lượng dòng chảy từ lãnh thổ quốc gia láng giềng. Thực tế, nhiều tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, nhiều khi không mưa nhưng vẫn xuất hiện các trận lũ lớn…
Sắp xếp, bố trí nơi ở an toàn cho các khu dân cư được coi là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nhẹ thiên tai tại các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, phản ánh từ các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy giải pháp này còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Chính Cương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã rà soát và xác định trong 10 năm tới phải di chuyển khoảng 3.156 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, với lượng kinh phí khoảng 64 tỷ đồng. Ngoài kinh phí, khó khăn lớn nhất của Lào Cai là tìm địa điểm bố trí khu dân cư tập trung, bảo đảm an toàn. Vì hiện nay, theo bản đồ phân vùng nguy cơ sạt trượt đất và lũ quét thì Lào Cai có hơn 50% diện tích nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, không thể bố trí dân cư…
Để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, các tỉnh miền núi phía Bắc đề nghị các bộ, ngành trung ương bố trí kinh phí và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ quét, sạt lở đất; đồng thời xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt trượt đất và lũ quét chi tiết đến cấp huyện, cấp xã; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, có giải pháp kỹ thuật giúp nhân dân xây dựng công trình, nhà ở phòng tránh lũ quét, sạt lở đất…
Theo ông Kenichiro Tachi, chuyên gia về Quản lý thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản: Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai, Việt Nam cần đầu tư kinh phí tăng dày số trạm đo mưa; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin liên quan về mưa theo thời gian thực…
Ngoải ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho rằng, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo và tăng cường nhận thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho chính quyền các cấp; đặc biệt cần xây dựng lực lượng ngay trong nhân dân và xác định người dân là trung tâm của mọi hoạt động...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.