(HNM) - Tiến độ triển khai các chương trình nông thôn mới (NTM) đang chậm so với kế hoạch, nguồn vốn xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ ngân sách cấp trên rót về, vốn từ ngân sách địa phương, nhân dân đóng góp và các nguồn xã hội hóa hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất tại các xã điểm chưa được như mong muốn…
Đó là nhận xét của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ mô hình NTM Nguyễn Công Soái sau khi kiểm tra thực tế việc xây dựng NTM tại một số xã điểm trên địa bàn Thủ đô.
Đẩy nhanh tiến độ
Tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ), theo mục tiêu đề ra, đề án phải kết thúc vào tháng 6-2011 nhưng đến nay xã mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí. Phó Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Trần Vững cho biết, các tiêu chí còn lại của xã đều là các tiêu chí khó thực hiện trong thời gian ngắn. Đơn cử như tiêu chí làng văn hóa, xã phấn đấu liên tục trong 2 năm mới được 1/7 thôn đạt danh hiệu này, đối với chuyển dịch cơ cấu lao động, 2 năm xã mới chuyển dịch được 5%, hiện vẫn còn 40% lao động trong nông nghiệp (cao hơn 15% so với tiêu chí), tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7% (cao hơn 4% so với tiêu chí). Ngoài ra, các dự án sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thực hiện rất chậm, thiếu tính bền vững. Vốn đấu giá từ đất xen kẹt trong dân chưa thực hiện được, do vậy kinh phí nợ đọng các nhà thầu còn nhiều… Trong khi đó, một số dự án thành phần như đường giao thông, nhà tập đa năng… so với đề án được duyệt kinh phí đều tăng gây khó khăn cho địa phương trong khâu thanh quyết toán công trình…
Hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng, Chi cục PTNT Hà Nội cho biết thêm, không riêng gì Thụy Hương mà ngay tại 3 xã điểm của TP gồm Song Phượng (Đan Phượng), Đại Áng (Thanh Trì), Mai Đình (Sóc Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Đặc biệt, sự vào cuộc, phối hợp giữa các ngành trong xây dựng NTM còn chưa quyết liệt, chặt chẽ. Đơn cử như tại xã Mai Đình, một số tuyến đường giao thông đã thi công xong nhưng hệ thống cột điện không được di chuyển, nằm giữa đường, gây bức xúc trong dân. Huyện và xã đã mở nhiều hội nghị nhưng chưa thể giải quyết. Còn xã Đại Áng, việc xây dựng NTM không đúng theo quy hoạch, quy hoạch một đằng làm một nẻo, không mở rộng được đường giao thông...
Mở rộng xã hội hóa
Đến hết tháng 6-2011, kinh phí đầu tư cho 19 xã điểm xây dựng NTM đạt trên 771 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương và TP, huyện, thị xã đạt trên 533 tỷ đồng, kinh phí lồng ghép trên 118 tỷ đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 60 tỷ đồng… Con số trên cho thấy phần lớn nguồn vốn xây dựng NTM là từ ngân sách, sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân rất hạn chế. Cụ thể, tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đến thời điểm này kinh phí xây dựng NTM của xã đạt 103,1 tỷ đồng, chiếm 97,5% so với kinh phí được phê duyệt. Trong đó, ngân sách và vốn có nguồn gốc ngân sách chiếm 94 tỷ đồng (91,17%). Nguồn vốn do dân đóng góp chỉ 6,1 tỷ đồng (5,9%) và vốn doanh nghiệp là 3 tỷ đồng (2,9%). Con số này còn quá khiêm tốn so với đề án được phê duyệt (vốn do nhân dân đóng góp 13% và doanh nghiệp 16%). Tương tự, tại ba xã điểm NTM của thành phố, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cũng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ: Song Phượng (Đan Phượng) là 3,5%; Đại Áng (Thanh Trì) 0,5% và Mai Đình (Sóc Sơn) khoảng 7,4%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ và nhân dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực xây dựng NTM của các địa phương.
Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình xây dựng NTM thành phố Nguyễn Công Soái yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, tích cực tham gia đóng góp vào xây dựng NTM. Người dân không nhất thiết phải đóng góp kinh phí, có thể thay bằng góp ngày công vào xây dựng các công trình hạ tầng của xóm thôn và tự chỉnh trang nhà cửa, đầu tư phát triển sản xuất của gia đình mình. Để thuận tiện cho bà con dễ dàng đóng góp ngày công, các địa phương cần thỏa thuận với doanh nghiệp "trúng thầu" công trình, phải lấy nhân công lao động là bà con nhân dân trong xã (nếu người dân có nguyện vọng). Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch NTM, phấn đấu xong trước năm 2011 đối với tất cả các xã. Các địa phương cần sớm kiện toàn BCĐ xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể; huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc vận động "cả nước chung sức xây dựng NTM" và phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư"… Để khuyến khích phong trào, BCĐ Chương trình xây dựng NTM thành phố sẽ ưu tiên đầu tư cho các xã triển khai nhanh, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2011 có 2 xã Thụy Hương và Song Phượng hoàn thành NTM, trong đó xã Thụy Hương "nợ" tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo, tiếp tục hoàn thành vào cuối năm 2012; 2 xã Đại Áng và Mai Đình phấn đấu đến hết năm 2012 phải hoàn thành; 15 xã điểm của các huyện, thị, phấn đấu cuối năm 2011, hoàn thành 12-15 tiêu chí đối với các xã ở tốp đầu và trên 10 tiêu chí đối với các xã còn lại. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.