(HNMCT) - Thảo Cầm Viên (hay Thảo Cầm Viên Sài Gòn) tọa lạc ở số 2B đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Đây là vườn sinh vật cổ nhất Việt Nam và là vườn sinh vật cổ thứ 8 trên thế giới.
Thảo Cầm Viên có lịch sử trên 150 năm, ban đầu là vườn Bách Thảo, được thành lập với mục đích nuôi trồng phục vụ nghiên cứu, trưng bày và ươm các giống cây để trồng trên các đường phố Sài Gòn theo quy hoạch kiểu phương Tây. Chính quyền Pháp ở Nam Kỳ khi đó đã mời Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905), người phụ trách chăm sóc thực vật của vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc.
Chính quyền Sài Gòn và Nam Kỳ khi đó đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ và đầu tư tài chính để xây dựng vườn Bách Thảo thành một trung tâm sinh học hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Giai đoạn 1865-1877, Giám đốc J.B. Louis Pierre có công đưa nhiều cây rừng và cây ở lục địa khác về trồng, ươm giống, tạo thành nhiều loài cây phổ biến ở Việt Nam.
Ông còn để lại di sản là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn... Để ghi nhớ công ơn của vị giám đốc đầu tiên của vườn bách thảo, một tấm bia đá và bức tượng bán thân của ông đã được dựng trang trọng ở chính giữa lối vào phía cổng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Năm 1956, vườn Bách Thảo được tu sửa và được đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng 1.300 động vật thuộc 125 loài (thú, chim, bò sát), trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm... Tại đây cũng có hơn 2.500 cây xanh với hơn 900 loài thực vật được bảo tồn. Ngoài ra, tại đây còn có khu vui chơi giải trí và hai công trình kiến trúc đặc sắc là Đền thờ Vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh (Bảo tàng Nam Kỳ cũ).
Trong suốt hơn 150 năm tồn tại, Thảo Cầm Viên Sài Gòn luôn là vườn sinh vật quý, là lá phổi xanh của thành phố, đem lại nhiều giá trị khoa học và xã hội. Đây là điểm đến ưa thích của người dân và du khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.