Chính trị

Hà Nội: 126 xã, phường vận hành ổn định, thông suốt, hiệu quả

Hà Vũ - Hương Ly 16/07/2025 18:45

Chiều 16-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố.

Tham dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai.

Hội nghị được triển khai trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và kết nối trực tuyến tới 126 xã, phường.

Vận hành thông suốt, hiệu quả

Báo cáo tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn thành phố do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật trình bày tại hội nghị cho thấy, trong những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để bộ máy mới nhanh chóng đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả.

2-cap-qc-.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công các đồng chí ủy viên trực tiếp bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát việc tổ chức bộ máy, vận hành hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã; Thường trực HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành 3 nghị quyết quan trọng, tạm giao, điều chỉnh biên chế, đồng thời triển khai 17 đoàn công tác hướng dẫn kỳ họp thứ nhất HĐND các xã, phường.

Đảng ủy UBND thành phố cùng các sở, ngành khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thiết lập quy trình xử lý công việc, rà soát cơ sở vật chất, tổ chức 126 đội hình với gần 4.000 thanh niên hỗ trợ thủ tục hành chính tại cơ sở, góp phần nâng cao hình ảnh chính quyền phục vụ.

Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được triển khai đồng bộ, bài bản. Thành ủy đã chỉ định hơn 2.500 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, hơn 1.000 đồng chí vào Ban Thường vụ; các xã, phường đã thành lập gần 400 cơ quan tham mưu, giúp việc. 100% Đảng ủy, UBND xã, phường ban hành Quy chế làm việc, bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn.

Hơn 600 nghị quyết HĐND xã, phường được thông qua, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương, tạo nền tảng cho giai đoạn ổn định lâu dài. Cùng đó, gần 12.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã được ban hành ở cơ sở; hơn 270 hội nghị quán triệt nghị quyết được tổ chức, với hơn 20.000 cán bộ, đảng viên tham dự, góp phần củng cố thống nhất nhận thức, hành động.

2-cap-hong-nhat-(1).jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật. Ảnh: Quang Thái

Đáng chú ý, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Số thủ tục hành chính cấp xã tăng lên 559 thủ tục, gần 67.000 hồ sơ được tiếp nhận trong 15 ngày đầu, trong đó 14% qua trực tuyến; hệ thống iHanoi tiếp nhận trên 3.500 phản ánh, tổng đài 1022 xử lý gần 1.800 cuộc gọi, các đại lý dịch vụ công tại 476 điểm giúp người dân giải quyết nhanh gọn 61 thủ tục thiết yếu.

Các hệ thống văn bản điện tử, chữ ký số được thiết lập, hơn 230.000 văn bản đã xử lý qua mạng. Đặc biệt, công tác bàn giao, sắp xếp trụ sở, trang thiết bị được hoàn tất tại 100% xã, phường, mỗi địa phương còn được thành phố bố trí thêm 500 triệu đồng để chủ động mua sắm trang thiết bị cần thiết.

Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, quá trình triển khai còn bộc lộ hạn chế. Một số xã, phường chưa đủ cán bộ chủ chốt, nhất là phó bí thư, phó chủ tịch UBND, HĐND; tỷ lệ cán bộ chuyên trách HĐND có kinh nghiệm còn thấp, cần đẩy mạnh tập huấn. Một số nơi bố trí biên chế chưa cân đối, nhân sự kiêm nhiệm nhiều, đội ngũ công nghệ thông tin còn mỏng. Hạ tầng kỹ thuật tại bộ phận "một cửa", phòng tiếp dân chưa đồng bộ, một số phần mềm thủ tục hành chính chưa ổn định, việc chỉnh lý, số hóa hồ sơ còn chậm. Quy định phân cấp, phân quyền có điểm chưa rõ, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện, nhất là với nhiệm vụ lần đầu được giao.

Trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội; rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình phù hợp mô hình hai cấp; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhất là về đất đai, thủ tục hành chính, tài chính, xây dựng; thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung, bảo đảm hoạt động bộ máy ổn định, liên tục.

Thành phố cũng chú trọng tổ chức tốt đại hội đảng bộ xã, phường theo đúng hướng dẫn, chuẩn bị kỹ nhân sự, nâng cao chất lượng văn kiện, đồng thời tiếp tục lãnh đạo đại hội Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sau khi hoàn thành đại hội đảng bộ.

Thành ủy Hà Nội đề xuất Trung ương sớm sửa đổi các quy định về công tác cán bộ, chức năng nhiệm vụ tổ chức cơ sở Đảng, ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi), quy định cụ thể về tổ chức HĐND để phù hợp với mô hình hai cấp.

Cùng với đó, Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành bộ thủ tục hành chính cấp xã, hoàn thiện hướng dẫn phân cấp, quy chế phối hợp giữa các cấp, đầu tư đồng bộ hạ tầng số, đẩy nhanh triển khai phần mềm phục vụ thủ tục hành chính và giám sát... Qua đó tạo điều kiện để mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn Thủ đô thực sự hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Vận hành ổn định, song còn nhiều khó khăn

Sau hơn hai tuần vận hành bộ máy chính quyền địa phương sau sắp xếp, các phường, xã mới trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã hoạt động ổn định, song vẫn đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc, được các bí thư đảng ủy phường, xã mới thẳng thắn nêu tại hội nghị và đề xuất nhiều kiến nghị với thành phố, Trung ương. Trọng tâm là khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất, quy trình nghiệp vụ và hạ tầng công nghệ thông tin.

img_9916.jpeg
Điểm cầu xã Phúc Sơn. Ảnh: Quang Thái

Một số nơi còn thiếu hụt cán bộ theo cơ cấu, như xã Minh Châu còn thiếu tới 19 cán bộ lãnh đạo theo 15 vị trí việc làm. Trong khi đó, về cơ sở vật chất, phường Hồng Hà phản ánh còn khó khăn về trang thiết bị làm việc, thiếu chữ ký số, dữ liệu đảng viên chưa được cập nhật kịp thời. Hạ tầng công nghệ thông tin bước đầu còn chưa thông suốt, như phản ánh từ xã Phú Xuyên về những vướng mắc khi đăng nhập dịch vụ công quốc gia bằng VNeID, hay chưa có quy trình điện tử cho một số thủ tục hành chính.

Ngoài ra, khối lượng hồ sơ hành chính gia tăng đột biến trong thời gian đầu cũng gây áp lực lớn cho các đơn vị. Tuy nhiên, một số phường, như: Hoàn Kiếm, Yên Sở, Tây Hồ, Hồng Hà... đã chủ động khắc phục khó khăn, vừa giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, vừa chuẩn bị tốt cho đại hội Đảng bộ phường.

Nổi bật là phường Hà Đông tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ trong 2 tuần, đã có sáng kiến tách riêng thủ tục chứng thực để vừa giảm tải cho cán bộ tại bộ phận “một cửa”, vừa giải quyết nhanh thủ tục hành chính, được người dân đánh giá cao.

img_9912.jpeg
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
img_9914.jpeg
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái
img_9913.jpeg
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Lãnh đạo các phường, xã cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành quy trình giải quyết cho các thủ tục hành chính còn thiếu; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thống nhất việc sắp xếp tổ dân phố; bàn giao mốc giới kịp thời; tập huấn cho cán bộ; khắc phục hệ thống thông tin thủ tục hành chính và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ nghỉ theo quy định.

Tiếp đó, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã trao đổi, giải đáp các ý kiến, kiến nghị của các xã, phường. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, ngay trong tuần sau sẽ tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên sâu về các lĩnh vực.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cù Ngọc Trang cho biết, thứ bảy tuần này sẽ tập huấn trực tuyến cho cán bộ, công chức 126 điểm phục vụ hành chính công cấp xã. Trung tâm cũng đã thành lập 15 tổ công tác sẽ trực tiếp xuống các xã, phường hỗ trợ tháo gỡ mọi vướng mắc, đồng thời duy trì 4 nhân viên luân phiên trực tổng đài 1012 để ghi nhận và giải đáp thắc mắc của người dân, song song duy trì hệ thống trả lời tự động.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Anh Tuấn cho biết, sẽ bố trí bổ sung ngay cho phường Hồng Hà thêm một đường truyền như đề nghị; đồng thời cho biết sẽ triển khai ngay sau đây 30 ngày cao điểm hỗ trợ các phường, xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với sự tham gia của lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền 126 xã, phường và các sở, ngành thành phố trong việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương sau sắp xếp. Trong thời gian ngắn, thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhưng các địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động thông suốt, không phát sinh vấn đề phức tạp.

Đặc biệt, nhiều xã, phường đã thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhân dân và phát huy tinh thần cầu thị, học hỏi trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố cũng đánh giá cao các sở, ngành đã ngày - đêm đồng hành cùng cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương đi vào ổn định nhanh chóng.

img_9910.jpeg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt là tổ chức thành công đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8%, thực hiện tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, dựa vào dân để tạo đồng thuận, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, đất đai… Thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ để phục vụ công tác đào tạo, tuyển dụng phù hợp. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần linh hoạt, ưu tiên cán bộ hiện có, nhất là cán bộ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Đối với phân cấp, phân quyền, Thành ủy và UBND thành phố sẽ sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở phát huy vai trò chủ động trong quản lý kinh tế - xã hội.

Một nội dung quan trọng khác được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh là việc tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên tinh thần “dọn nhà đón khách, đón Tết Độc lập”, tiến tới xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng đây không phải việc nhỏ, mà là biểu hiện rõ nét nhất của nếp sống đô thị, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc, kiên trì của mỗi địa phương. Thành phố sẽ phát động phong trào sâu rộng, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để việc tổng vệ sinh trở thành tự giác, tự nguyện từ trong mỗi người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý cụ thể về việc chuẩn bị văn kiện đại hội của các xã, phường mới bảo đảm thực chất; chỉ đạo việc đơn giản hóa việc báo cáo, “tinh gọn” thực chất các cuộc họp để dành thời gian cho cán bộ giải quyết công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hà Nội: 126 xã, phường vận hành ổn định, thông suốt, hiệu quả

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.