(HNM) - Năm 2022 qua đi, để lại những thành tựu nổi trội trong phát triển kinh tế, với sự đóng góp của một số lĩnh vực quan trọng mà kết quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thật sự là điểm sáng. Đáng phấn khởi hơn, Việt Nam gặt hái được trong bối cảnh bất lợi, khi đời sống kinh tế quốc tế trầm lắng, hầu hết giới đầu tư đều cắt giảm hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư trên toàn cầu...
Kết quả rất tích cực
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam thu hút gần 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dù vậy, đây vẫn là thành công trong khó khăn trong bối cảnh bất lợi, khi đời sống kinh tế quốc tế trầm lắng, hầu hết giới đầu tư đều cắt giảm hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Điều đó cũng cho thấy, giới đầu tư luôn coi Việt Nam là bến đỗ an toàn với sức hấp dẫn để đi đến lựa chọn cuối cùng là quyết định dốc vốn đầu tư vào dải đất hình chữ S nằm bên tuyến giao thương sôi động hàng đầu thế giới.
Qua thời gian, những tên tuổi lớn với tiềm năng mạnh về vốn và công nghệ như Samsung, Intel, LG, Honda... đã kịp xuất hiện, triển khai nhiều dự án quy mô và hiện đại. Họ đang và sẽ hiện thực hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất và xuất khẩu trong thế kỷ XXI, gắn liền với việc ứng dụng, lan tỏa thành tựu công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại diện các phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản... đều khẳng định hiện diện lâu dài ở Việt Nam bởi ngày càng hài lòng và nhận thấy sức cạnh tranh đích thực của Việt Nam trong mối tương quan so sánh với các địa bàn khác. Những gì nhà đầu tư cần để bảo toàn và nhân lên đồng vốn của mình dường như đều sẵn có ở Việt Nam, như môi trường chính trị và đầu tư - kinh doanh ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và trẻ, thị trường nội địa lớn bên cạnh vị trí địa lý rất thuận lợi cho vận tải hàng hóa xuất khẩu.
Nhưng đáng mừng hơn là lượng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân 11 tháng năm 2022 đạt tới 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Đó cũng là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Tự thân con số trên thể hiện sự “long lanh” của Việt Nam trong mắt giới đầu tư. Rõ ràng, nhà đầu tư đang đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án của mình, khẳng định sự gắn bó lâu dài với vai trò như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế nước ta. Về nguyên tắc, vốn giải ngân chính là thước đo chuẩn xác, để xác định và đánh giá mức độ “mặn mà” của giới đầu tư quốc tế. Nó thể hiện sự quyết tâm hay quan ngại cũng như là chỉ dấu đầu vào cho xu hướng và quyết định tiếp theo của giới đầu tư trong thời gian sau đó.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, các nhà đầu tư nước ngoài đổ dồn vào Việt Nam, và chứng minh tầm quan trọng cũng như những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và gia tăng xuất khẩu của quốc gia. Thông qua các dự án của nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội tiếp cận, làm chủ một số công nghệ mới; từ đó hỗ trợ quá trình hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hàm lượng chất xám cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm làm ra...
Củng cố kết quả, nâng sức cạnh tranh
Một khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho thấy, những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh vì mục tiêu lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, điện tử - bán dẫn chọn Việt Nam là điểm đến, để triển khai những dự án mới. Đơn cử, Samsung với kế hoạch đầu tư thêm hơn 3 tỷ USD bên cạnh các kế hoạch trị giá từ vài trăm triệu USD trở lên của những tên tuổi trong “làng” công nghệ cao chuyên sản xuất và cung ứng linh kiện cho điện thoại iPhone của Apple như Foxconn, Intel, Goertek… Đáng lưu ý, ngay trong tháng 11-2022, một số địa phương đã đón nhận những dự án quy mô lớn, có công nghệ cao; trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 8 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam và hứa hẹn tiếp đà khởi sắc trong năm tới. Vấn đề và yêu cầu đặt ra là cần thúc đẩy làn sóng đầu tư vào Việt Nam trên tinh thần khai thác cơ hội, tranh thủ thời gian để nâng cao cả số lượng và chất lượng trong thu hút, sử dụng dòng vốn này nhằm phục vụ tăng trưởng cũng như hướng tới cải thiện hiệu quả của cả nền kinh tế… Ngược lại, cơ quan chức năng cũng cần thanh tra, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đầu tư nước ngoài nhất là phát hiện, ngăn chặn những vi phạm đáng tiếc về môi trường, gian lận thương mại, tình trạng chuyển giá... như đã từng xảy ra, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.
Chuyên gia kinh tế Phan Hữu Thắng khuyến nghị, trong tình hình mới, rất cần xác lập, hoàn thiện “bộ lọc” với tiêu chí tổng hợp để đánh giá chi tiết, công bằng, làm căn cứ đánh giá chất lượng dự án đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên công nghệ cao, xanh và sạch. Với vai trò của chủ nhà, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nên chủ động “gạn đục, khơi trong” nhằm huy động, nhân lên sức mạnh của nguồn ngoại lực kết hợp bảo vệ quyền lợi đất nước. Ngoài ra, cần tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư nước ngoài ở các địa phương bên cạnh việc tích cực tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế để bảo đảm minh bạch, tiến bộ, sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần chủ động làm rõ năng lực tài chính, công nghệ, khả năng và phương án bảo vệ môi trường... của nhà đầu tư một cách đầy đủ, toàn diện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tập trung, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước khởi nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao và đưa vào sản xuất đại trà. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam chuyển hẳn sang giai đoạn chỉ chấp nhận dự án có trình độ công nghệ trung bình khá trở lên, ưu tiên công nghệ cao, sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao và sức lan tỏa lớn. Theo đó, sự có mặt của những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có công nghệ hiện đại sẽ kéo theo hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác với đối tác cung ứng nội địa... và tác động, làm doanh nghiệp nội lớn mạnh hơn. Điều này cho phép cải thiện sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng của nền kinh tế cũng như thu về hiệu quả, đẳng cấp của sản phẩm và doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.