(HNMO) - Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của người dân trên địa bàn huyện Thanh Trì đến kỳ thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Trước thực trạng đó, các ngành chức năng huyện Thanh Trì đã liên kết với các hợp tác xã, hội, đoàn thể... kịp thời tiêu thụ nông sản cho người dân, không để tình trạng nông sản bị bỏ lại trên đồng ruộng.
Kịp thời tiêu thụ nông sản cho nông dân
Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, để tiêu thụ nông sản cho nông dân, lãnh đạo xã Yên Mỹ đã thành lập Nhóm hộ sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi. Nhờ đó, rau, củ, quả đến kỳ thu hoạch không phải để lại trên những cánh đồng.
Theo bà Trần Bích Hợp ở thôn 2, xã Yên Mỹ, gia đình có 1 mẫu rau đến kỳ thu hoạch, nhưng không thể bán ra các chợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ ngày 31-7, xã đã có chương trình hỗ trợ thu mua nông sản cho nông dân nên rau, củ, quả thu hoạch hằng ngày đều được tiêu thụ với mức giá ổn định... Còn ông Trần Quyết Thắng ở thôn 1, xã Yên Mỹ cho biết, nhờ có chủ trương tiêu thụ nông sản của xã, các loại quả như chuối, nhãn… của gia đình được tiêu thụ hết, bà con yên tâm sản xuất.
Bà Trần Thị Thoa, Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Yên Mỹ) chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Yên Mỹ có hơn 60ha sản xuất rau an toàn (trong đó 30ha sản xuất theo chuỗi), hằng ngày, một lượng lớn rau, củ quả đến kỳ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ do giãn cách xã hội. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã Yên Mỹ đã thành lập Nhóm sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi cho người dân trên địa bàn. Từ ngày 31-7 đến nay, nhóm này đã liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát để tiêu thụ nông sản.
Hằng ngày, nông dân đăng ký số lượng cần bán, nhóm sẽ tổng hợp và báo với hợp tác xã. Mỗi ngày, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn 100-200kg rau, củ; 3.000-5.000 bắp ngô và các loại quả như nhãn, chuối, ổi… Và đến nay đã tiêu thụ được hơn 30 tấn rau, củ, quả.
“Thời gian tới, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân để yên tâm phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất. Nhóm sẽ cố gắng tìm thêm đầu ra để tiêu thụ được nhiều nông sản cho nông dân với giá thành ổn định”, bà Trần Thị Thoa cho biết thêm.
Còn tại xã Duyên Hà, một trong những vựa rau của huyện Thanh Trì, lãnh đạo xã cùng với thôn Đại Lan đã huy động xã hội hóa để thành lập quỹ thu mua rau và kết hợp với Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan tiêu thụ cho nông dân với giá ổn định.
Ông Đặng Văn Thọ ở thôn Đại Lan, xã Duyên Hà cho biết, gia đình trồng 1 mẫu rau, trung bình mỗi ngày có tới hơn 2 tạ rau đến kỳ phải bán. Được Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan thu mua với giá ổn định, chúng tôi rất phấn khởi và không còn phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, từ ngày 1-8 đến nay, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã thu mua 1,5-3 tấn rau, củ, quả cho nông dân, bảo đảm thu hoạch đến đâu, thu mua đến đó.
Bảo đảm thực hiện mục tiêu kép
Mặt khác, với mục tiêu thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa sản xuất và bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, để hạn chế người của địa phương đi ra ngoài, tránh lây lan dịch bệnh, các xã đã liên kết với nhau để tiêu thụ nông sản cho người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Duyên Hà Phạm Thị Thúy cho biết, xã đã tuyên truyền tới người dân tham gia cung cấp nông sản phải trang bị khẩu trang, kính chống giọt bắn, thực hiện quy định "5K".
“Điều đặc biệt, kinh phí thu mua nông sản cho nông dân được xã hội hóa, lãnh đạo xã, phòng kinh tế huyện, các mạnh thường quân hỗ trợ, còn lại là quỹ của thôn và Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan. Quỹ này được duy trì và hoạt động với mục tiêu: Giải quyết khâu tiêu thụ nông sản, không để người dân phải đi ra khỏi địa bàn. Và toàn bộ số nông sản sau khi thu mua đều được chính quyền địa phương tặng cho người dân ở vùng bị cách ly trên địa bàn huyện…”, bà Phạm Thị Thúy cho biết thêm.
Nói thêm về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan Đặng Bá Thắng cho biết, với nguồn quỹ hiện nay, hợp tác xã khẳng định sẽ thu mua hết rau, củ, quả cho nông dân đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Hợp tác xã cũng khuyến cáo người dân vừa thu hoạch, vừa làm đất, trồng các loại rau, củ, quả phù hợp với nhu cầu thị trường.
Còn theo ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, với tinh thần bảo đảm đời sống cho người dân, chống dịch hiệu quả, xã tiếp tục chỉ đạo Nhóm hộ sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn theo chuỗi trên địa bàn xã tiếp tục thu mua cho nông dân bán qua hợp tác xã và liên kết với các hội, đoàn thể ở các xã khác để đẩy mạnh tiêu thụ. Mặt khác, tập trung sản xuất để bảo đảm nguồn cung cho thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, việc liên kết với hợp tác xã và các hội, đoàn thể tiêu thụ nông sản cho nông dân ở xã Yên Mỹ và thành lập quỹ để thu mua nông sản gửi tới vùng bị cách ly là cách làm hay của chính quyền xã Duyên Hà để người dân yên tâm sản xuất, bảo đảm đời sống và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Từ cách làm này, nông sản của người dân huyện Thanh Trì không bị bỏ lại trên đồng ruộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.