Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách 6.482 tỷ đồng

Hà Phong| 28/06/2012 18:11

(HNMO) - Một số cuộc thanh tra kéo dài nhưng không làm rõ nguyên nhân vi phạm. Nhiều địa phương có sai sót trong quản lý kinh tế nhưng việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế. Chương trình liên kết đào tạo gắn mác chất lượng cao nhưng kết quả không như người dân mong muốn. Đó là nội dung chính Thanh tra Chính phủ (TTCP) đề cập tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm diễn ra tại Hà Nội ngày 28-6.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP

Kiến nghị thu hồi 6.482 tỷ đồng

Theo Phó Tổng TTCP Lê Tiến Hào, 6 tháng đầu năm 2012 là thời điểm kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hành tiết kiệm, sử dụng vốn có hiệu quả, nhưng kết quả trên 6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành tại hơn 333 nghìn tổ chức cá nhân cho thấy: nhiều tỉnh, TP chưa thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tiết kiệm chi thường xuyên. Tình trạng tiết kiệm không đủ chỉ tiêu được giao hoặc sử dụng nguồn kinh phí sai quy định cũng xảy ra ở không ít nơi. Nghệ An đang dẫn đầu các địa phương có số đơn vị sai phạm về kinh tế (180), sát nút là Phú Thọ 169, Vĩnh Phúc 105, Quảng Nam 83.

Tổng hợp từ các cuộc thanh tra đã kết luận, TTCP và lực lượng chuyên ngành phát hiện thiếu sót, kiến nghị thu hồi về ngân sách 6.482 tỷ đồng; 1.291 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 258 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 425 tập thể, 697 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 27 vụ, 35 người.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm tra, xác minh tại 18 trường đại học (ĐH) về các chương trình liên kết đào tạo giai đoạn 2006- 2010 cho thấy, sự “bùng nổ” loại hình đào tạo được gắn mác “chất lượng cao” này khiến xã hội hoài nghi về chất lượng là không sai. Qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại các trường, có đến 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa học vừa làm chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép, điển hình là ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh, Viện ĐH Mở Hà Nội. Để xảy ra tình trạng liên kết kém chất lượng, một phần do tâm lý sính ngoại của người dân, bên cạnh đó các trường lại đáp ứng nhu cầu của người học bằng mục đích kinh tế. Theo đánh giá của TTCP, ngay cả ĐH danh tiếng như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều vi phạm liên kết đào tạo. Cụ thể, có 16/20 chương trình liên kết không có thủ tục xác nhận tư cách pháp nhân của đối tác, trong đó 12 chương trình nội dung đề án không đầy đủ theo quy định; có 9 chương trình liên kết không tổ chức thi tuyển sinh…

Từ kết luận số 1376/KL-TTCP ngày 8-6, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết với Trung tâm Công nghệ đào tạo và hệ thống việc làm (ETC - ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp và bằng thạc sĩ do ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cấp.

Kê khai tài sản hình thức

Cùng liên quan đến hoạt động giáo dục, kết quả triển khai bước đầu cuộc thanh tra trên diện rộng việc thực hiện đề án Kiên cố hóa trường, học, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008- 2012 cho thấy, nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để việc xây dựng các công trình đúng với số lượng, cấp học, diện tích đã được phê duyệt, có sai phạm về đơn giá vật liệu, nguồn vật liệu. Đến nay, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương thực hiện đề án đã được phân bổ 100%, nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa vượt kế hoạch nhưng cả nước mới chỉ triển khai xây dựng được khoảng 60% số phòng học, 40,3% số phòng công vụ cho giáo viên. Tỉnh Quảng Bình, Sơn La là 2 “địa chỉ đỏ” có sai phạm nổi bật về thanh quyết toán với giá trị phê duyệt quyết toán so với giá trị giải ngân rất thấp, lần lượt là 13,4 và 29%.

Liên quan đến kê khai tài sản thu nhập 6 tháng đầu năm, cũng nổi lên nhiều hiện tượng lách luật. Trong tổng số gần 123 nghìn người đã kê khai lần đầu có nhiều trường hợp phải kê khai bổ sung, chỉ có gần 20% công khai bản kê khai thu nhập. TTCP cũng cho biết, mới chỉ phát hiện 2 trường hợp kê khai tài sản không trung thực, đó là Phó trưởng Công an huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh và Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk. Thực tế trên cho thấy, việc kê khai tài sản vẫn mang tính hình thức, khó rà soát. Tới đây chuyện ai đó qua mặt luật pháp để “hợp thức hóa tài sản do tham nhũng mà có” là rất khó vì TTCP sẽ bổ sung cơ chế xác minh tại Luật PCTN sửa đối. Theo đề xuất của Ban soạn thảo, hướng là sẽ công khai hóa bản thu nhập. Người có dấu hiệu tài sản bất minh phải có nghĩa vụ giải trình nguồn gốc. Cơ quan quản lý thấy mức thu nhập và tài sản sở hữu của họ chênh lệch nhiều phải có trách nhiệm đặt vấn đề rà soát, kiểm tra nội bộ. Riêng việc xác minh tài sản, thu nhập của người có hành vi tham nhũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự. Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế để thanh tra nhanh, gọn, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra cũng sẽ được chú trọng nhằm mục đích nâng cao chất lượng thanh tra.

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, công tác thanh, kiểm tra đã tiến bộ, nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác này, một số vụ án tham nhũng còn chậm xử lý, để kéo dài, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, chi tiêu công. Trong thời gian tới, TTCP phải phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự thảo Luật PCTN sửa đổi, xử lý dứt điểm những vụ án tham nhũng còn tồn đọng kéo dài, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Bách Senlược ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra kiến nghị thu hồi về ngân sách 6.482 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.