(HNM) - Nhiều năm qua, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Ban Kiểm tra của ngành BHXH đã kiểm tra tại nhiều địa phương, đặc biệt năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp thanh tra tại một số tỉnh, thành và phát hiện nhiều dạng sai phạm, nhất là trong lĩnh vực thực hiện chế độ BHYT.
Sai phạm có ngay từ khâu thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB). Cụ thể, hợp đồng KCB hằng năm do BHXH các tỉnh ký với cơ sở khám chữa bệnh thường vào tháng 2 hoặc 3. Việc ký kết này thực tế là ký sau thời điểm thực hiện hợp đồng (đầu năm). Đây là triệu chứng ban đầu và rõ nét cho hàng loạt sai phạm trong BHYT...
Làm thủ tục thanh toán tiền khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Linh Tâm |
Tiếp đến, trong quá trình thanh, quyết toán chi phí KCB cũng còn quá nhiều sai phạm. Thanh tra Chính phủ cho biết, tại rất nhiều địa phương, việc quyết toán chi phí KCB theo hợp đồng dựa vào tài liệu thanh toán do cơ sở KCB và cán bộ giám định lập, không sử dụng hóa đơn tài chính làm chứng từ thanh toán. Các bệnh viện cũng còn tùy tiện trong việc thống kê chi phí KCB; nhiều trường hợp không chính xác, kê khống, kê sai chủng loại thuốc; hồ sơ bệnh nhân điều trị nội trú thường bị thống kê sai chi phí KCB. Trong khi đó, phiếu thanh toán ra viện của bệnh nhân ngoại trú không lưu kết quả chẩn đoán của các dịch vụ thông thường và phiếu thanh toán không được chứng thực bằng chữ ký của giám định viên.
Ngoài ra, hồ sơ bệnh án hầu hết thiếu các thủ tục hành chính để phục vụ việc chi trả BHYT, thiếu cả xác nhận của bệnh nhân cũng như cán bộ y tế, bác sĩ... Bệnh nhân còn phải chịu nhiều thiệt thòi khi bệnh viện thường thu tiền của bệnh nhân BHYT có nhu cầu sử dụng thêm dịch vụ xã hội hóa và thu tiền một số dịch vụ thông thường (trong danh mục được BHYT chi trả) cao hơn khung giá do địa phương quy định. Thiệt hại khác cho Nhà nước mà người dân không được hưởng là với thực trạng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép từ 2, có khi đến 4 người/giường nhưng BHYT vẫn thanh toán theo mức 1 người/giường.
Có dấu hiệu tham ô rõ nhất là việc đấu thầu cung ứng thuốc phục vụ KCB. Trong lĩnh vực này, nhiều đơn vị, cơ sở y tế rất "sáng tạo", đến mức tùy tiện. Qua khảo sát, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, quá trình đấu thầu, nhiều thành viên tổ xét thầu dù mang danh chuyên gia nhưng không có chứng chỉ tham gia đào tạo về đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu (tháng 11-2005). Quá trình đấu thầu cũng xảy ra hàng loạt sai sót khó chấp nhận. Chẳng hạn: Tài liệu đấu thầu không được bảo mật; đơn giá phục vụ đấu thầu cao hơn nhiều so với giá dự thầu của các nhà thầu; việc thẩm định giá xét thầu nhiều loại thuốc quá "trên trời", đội giá so với giá thuốc trên thị trường...
Từ thực trạng trên, Thanh tra Chính phủ đã phải lập riêng một chuyên đề thanh tra BHYT, đồng thời có hướng dẫn chi tiết để cơ quan chức năng tổ chức thanh tra cho sát, "đánh" thẳng vào vấn đề nổi cộm trong BHYT. Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, việc thanh tra sẽ diễn ra trên diện rộng, không loại trừ địa phương nào, y tế ngành nào... Nếu thực hiện đúng tinh thần kiên quyết làm rõ và xử lý như trên, chưa nói đến những mục tiêu cụ thể, những người đã, đang và sẽ tiếp cận BHYT có thể thêm vững tin vào những yếu tố ưu việt của chính sách này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.