(HNM) - Thành phố xanh - Thành phố thông minh là xu hướng tất yếu của tiến trình phát triển đô thị mà nhân loại đang hướng tới.
Nguồn ảnh: Zing |
Từ hàng nghìn năm trước, Trang Tử - một triết gia thời Trung Hoa cổ đại đã đưa ra chủ thuyết coi trọng sự hòa hợp, thống nhất trong quan hệ giữa con người và tự nhiên “trời đất cùng sinh với ta, vạn vật và ta là một”. Và phong trào “trở về với tự nhiên” đã nổi lên rầm rộ ở nhiều nước phương Tây từ những năm 60 của thế kỷ XX.
Thế nhưng phải 20 năm sau đó, giới học giả người Đức mới đưa ra những ý tưởng đầu tiên về đô thị sinh thái và năm 1987, cụm từ eco-city - thành phố xanh mới xuất hiện trong một cuốn sách được xuất bản bởi nhà môi trường học Richard Register ở California. Giờ đây thì khái niệm thành phố xanh (đô thị xanh) đã trở nên phổ biến trong các kế hoạch xây dựng ở nhiều thành phố của nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới “chuyển hóa” thành mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao giá trị nhân văn, giá trị con người.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang từng ngày tác động tiêu cực đến ngôi nhà chung trái đất, mô hình thành phố xanh - thành phố sinh thái được nhìn nhận như một giải pháp vừa mang tính thực tế, vừa hứa hẹn nhiều hy vọng.
Những năm gần đây, hàng loạt mô hình đô thị sinh thái đã hình thành tại nhiều quốc gia trên tinh thần tôn trọng tự nhiên như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ)…, tạo ra xu thế mới trong tiến trình phát triển đô thị của nhân loại. Trong số đó, Stockholm (Thụy Điển) được biết đến như một hình mẫu trong câu chuyện đối phó với vấn nạn môi trường và an ninh năng lượng.
Tại thành phố được mệnh danh là “Thủ đô xanh của châu Âu” này, mỗi khu dân cư đều có những khoảng xanh để cung cấp khí sạch và 83% năng lượng dùng cho việc sưởi ấm là năng lượng sạch. Chưa kể những con số “đáng nể” khác như 50% lượng xe buýt chạy trong thành phố sử dụng năng lượng tái tạo hay các công trình giao thông công cộng đều sử dụng điện sinh thái.
Và nữa, với việc tự giác tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường, Stockholm đã có những “công dân sinh thái” hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, không có mẫu số chung cho các mô hình và không phải thành phố nào cũng thành công với “đô thị xanh”. Những tham vọng và ảo tưởng đầu tư đã để lại nhiều bài học đắt giá.
Người Việt Nam không xa lạ với những không gian xanh. Làng Việt xa xưa với lũy tre, cây đa, giếng nước, sân đình… không chỉ ẩn chứa triết lý sống hòa hợp cùng thiên nhiên mà còn là biểu hiện tập trung nhất phong cách tổ chức không gian sống của người Việt. Thăng Long - Hà Nội như một nhà nghiên cứu nhận định, là ngôi làng lớn của rất nhiều làng nhỏ. Và một thời, Hà Nội cũng được mệnh danh thành phố của những vườn cây.
Thế nhưng, khái niệm về thành phố xanh dường như vẫn rất mới. Cho đến thời điểm này, trong cách hiểu của nhiều người, đô thị xanh là nơi có nhiều cây xanh, công viên, mặt nước với các tòa nhà có vườn treo, trồng cây trên mái và mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, trải rộng… Điều này đúng nhưng chưa đủ, từ các mô hình thành phố xanh của nhiều nước trên thế giới, có thể thấy, đô thị xanh trước hết được phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng cao, đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Và nữa, cùng với việc tạo không gian mở cho thành phố thì việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa phải được coi trọng.
Không chọn phát triển thành phố theo chiều thẳng đứng với những tòa nhà “chọc trời” đầy bê tông, cốt thép, khung kính, Hà Nội trải rộng trong một không gian hài hòa cùng thiên nhiên với núi Tản Viên uy nghi, dòng sông Hồng uốn khúc. Những năm gần đây, trong xu thế phát triển đô thị xanh của của thế giới, kiến trúc xanh đang hình thành với ngày càng nhiều công trình xanh trong lòng thành phố. Những dự án đô thị - công viên không chỉ mang đến gương mặt kiến trúc mới mà còn góp phần đáng kể nâng cao chất lượng sống cho cư dân Thủ đô. Và những hàng cây xanh, những thảm xanh đã mang đến diện mạo mới cho nhiều con đường từ nội thành đến ngoại ô. Thế nhưng để có một đô thị xanh đúng nghĩa, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
Thành phố thông minh, theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu là một phần trong ý niệm về thành phố xanh. Nói nôm na là một phần tất yếu của thành phố xanh. Và từ mỗi điểm nhìn, mỗi cách tiếp cận sẽ có một cách hiểu về thành phố thông minh. Thành phố thông minh là công cụ để giúp chính quyền vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển đô thị và công nghệ chỉ là nền tảng- yếu tố cốt lõi của thành phố thông minh là con người.
Thành phố thông minh phải hội tụ các yếu tố như kinh tế thông minh, kết cấu hạ tầng thông minh, cư dân thông minh, cuộc sống thông minh và quản lý đô thị thông minh… Rất nhiều định nghĩa đã được đưa ra và với người dân, đơn giản, “thành phố thông minh là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người”… Trong mắt các nhà quản lý đô thị, thành phố thông minh là xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam không phải một ngoại lệ. “Con đường đến tương lai được quyết định bởi các thành phố thông minh, đô thị thông minh”.
Cũng phải nói rằng, không phải đến thời điểm 1-8-2018, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó lấy Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà
Nẵng, Cần Thơ làm hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh… thì Hà Nội mới hình thành ý tưởng về một thành phố thông minh. Với tư duy “công nghệ thông tin là chìa khóa của tương lai”, vài năm gần đây, cùng với việc hình thành những kho dữ liệu khổng lồ làm nền tảng từng bước phát triển chính quyền điện tử, nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai,hoặc thí điểm triển khai (ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông…) mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống đô thị.
Và một sự kiện không thể không nhắc tới bên thềm năm mới này là việc mới đây, thành phố đã cho phép Tập đoàn BRG và Sumitomo của Nhật Bản bắt tay vào dự án xây dựng thành phố thông minh tại huyện Đông Anh. Trong tương lai không xa, trục cửa ngõ Thủ đô Nhật Tân - Nội Bài sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ tầm cỡ khu vực, một biểu tượng cho sự thịnh vượng của Thăng Long -Hà Nội.
Thành phố thông minh cũng là thành phố sáng tạo. Một thành phố mà ở đó, khả năng sáng tạo của mỗi con người là tài nguyên, là của cải vật chất. Ý tưởng về việc đưa Hà Nội trở thành một “Thành phố sáng tạo của UNESCO về Thiết kế” và “Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á” đang hình thành. Vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế tri thức để Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến trở thành “Kinh đô sáng tạo”, “Kinh đô văn hóa - nghệ thuật” với những khu đô thị thông minh, trung tâm thiết kế quốc tế, các không gian sáng tạo, sảnh đường nghệ thuật, bảo tàng khoa học, khách sạn địa danh…, là mong muốn của hết thảy người yêu Hà Nội. Cơ hội vô giá đang rộng mở, nhưng tương lai vẫn là quãng đường dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực mà trước hết là hợp tác, kết nối để tạo nguồn động lực kích thích sự sáng tạo, đổi mới từ mỗi người Hà Nội.
Thành phố xanh - thành phố sinh thái, thành phố thông minh - thành phố sáng tạo tựu trung lại đều hướng tới phục vụ con người, nâng cao giá trị nhân văn, giá trị con người. Nói cách khác con người vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả, vừa là chủ thể tạo dựng sự phát triển.
Do vậy, chủ nhân của thành phố thông minh phải là những con người thông minh. Những con người có thể dung hòa các ý tưởng sáng tạo khác nhau, thậm chí là đối lập; có thể giải quyết hàng loạt bài toán khó như chất lượng đô thị, năng lực cạnh tranh… và không ngừng vận động, đổi mới để tạo ra bản sắc riêng có,độc đáo cho thành phố. Thành phố xanh - Thành phố thông minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Hà Nội trong thời đại công nghệ dưới sự tác động mạnh mẽ từ “cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thành phố xanh (green city) được phát triển từ ba ý niệm: Sinh thái, tính bền vững và thông minh. Trước hết thành phố xanh là một đô thị sinh thái (eco-city), nơi có một tỷ lệ đáng kể cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái trên một địa bàn dân cư. Tiếp đến thành phố phải thể hiện yếu tố phát triển bền vững (sustainable city) với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu. Và cuối cùng, đô thị này đạt đến cấp độ một thành phố thông minh (smart city) từ việc tích hợp công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và phục vụ các nhu cầu của cư dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.