Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố xanh

Thế Văn| 27/01/2020 06:11

(HNM) - Là thành phố của những dòng sông, nhiều ao hồ, không gian cây xanh phong phú, Hà Nội có điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng một thành phố sinh thái - thành phố xanh. Ý tưởng về một đô thị hài hòa cùng thiên nhiên đã hình thành cùng lịch sử Thăng Long - Hà Nội và Hà Nội đã từng là thành phố xanh. Thành phố hôm nay ngày càng xanh hơn cùng tư duy xanh, lối sống xanh và những đô thị xanh...

Thành phố xanh và câu chuyện cây xanh

Khái niệm “thành phố xanh - đô thị xanh” định hình ở Mỹ và châu Âu khoảng những năm 80 của thế kỷ trước và được coi là một loại hình đô thị, một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến ngôi nhà chung trái đất. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc xây dựng loại hình đô thị này như Mỹ với Alexandria, Virginia; Trung Quốc với Thanh Đảo, Bắc Hải; Thụy Điển với Stockholm… Đô thị xanh không chỉ có không gian xanh, công trình xanh, công nghiệp xanh, giao thông xanh mà còn bao hàm cả việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử - văn hóa và quan trọng nhất là có một cộng đồng dân cư sống thân thiện với thiên nhiên, môi trường trong vai trò chủ nhân của thành phố.

Thành phố xanh là sự lựa chọn phù hợp với Hà Nội - đô thị vốn là thành phố trong sông với chiều dài lịch sử “nghìn năm văn hiến”. Từ điểm nhìn lịch sử có thể thấy, thành phố xanh không xa lạ với người Việt Nam, với Hà Nội.

Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn - vị vua khai sáng Kinh đô Thăng Long đã dựa vào hình thế tự nhiên của mảnh đất “bốn phương hội tụ” với sông Hồng, sông Tô Lịch, Kim Ngưu mà dựng thành trong sông, thành đắp bằng đất, lấy sông làm hào lũy, vừa để phòng vệ, vừa ngăn lũ lụt. Tư duy sống hài hòa cùng thiên nhiên của nhà Lý còn để lại nhiều dấu ấn với đất kinh kỳ. Tương truyền, các đời vua Lý đã ra luật định, buộc triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ cửa Đông hoàng thành ra đến bến Đông Bộ Đầu, người ta gọi con đường này là Hòe Nhai. Sang thời Trần, phía Tây kinh thành là nơi tập trung nhiều dinh, phủ của hoàng thân, quốc thích, họ trồng những rặng liễu thướt tha ven con đường đi về phía Tây và cái tên Liễu Giai cũng xuất hiện từ đấy.

Nơi đô hội, lớp lớp người tứ xứ đổ về lập thân, lập nghiệp. Những cây đa, bến nước, sân đình biểu tượng của không gian làng, văn hóa làng cũng theo chân người phường nghề về phố tạo nên những làng trong phố. Giới nghiên cứu cho rằng, Thăng Long - Hà Nội là ngôi làng lớn của nhiều làng nhỏ cũng vì vậy. Lối sống hài hòa cùng thiên nhiên từ đấy mà thành. Sau này, người Pháp mang văn minh, nếp sống phương Tây hòa vào văn minh, lối sống phương Đông nói chung, văn hóa, truyền thống sinh hoạt, cư trú Việt Nam nói riêng tạo ra những không gian xanh cho đến hôm nay vẫn hết sức ấn tượng với những người yêu Hà Nội.

Những khảo cứu lịch sử về Hà Nội cho thấy, năm 1885, Tràng Tiền là phố đầu tiên được lát vỉa hè và trồng cây phượng hai bên đường - mở đầu cho việc trồng cây trên hè đường ở Hà Nội. Đến năm 1902, khi Hà Nội trở thành trung tâm của Đông Dương thì việc trồng cây và tạo những không gian xanh trong thành phố được quan tâm nhiều hơn. Nhiều loại cây có bóng mát quanh năm được trồng tại khu phố mới ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là khu phố Pháp). Và để tạo sức hấp dẫn của cảnh quan, người ta chọn mỗi phố trồng một loại cây. Đến nay, vẫn còn đó hàng sấu già trên phố Phan Đình Phùng, hàng sao đen thẳng đứng đầu phố Lò Đúc…

Kể ra như vậy, không phải để so sánh Hà Nội với những mô hình đô thị xanh đã hết sức thành công trên thế giới mà để thấy rằng, từ điểm nhìn lịch sử, Hà Nội của chúng ta có nhiều yếu tố bền chắc để hướng tới một thành phố xanh trong tương lai không xa.

Hà Nội xanh và sự lựa chọn cho tương lai

Trong tiến trình phát triển đô thị hơn nghìn năm qua, Hà Nội luôn hướng tới một sự hài hòa, trước hết là hài hòa cùng thiên nhiên. Không chỉ phát triển đô thị theo chiều đứng, Hà Nội hôm nay và ngày mai trải rộng trong một không gian xanh cùng núi Tản, sông Hồng. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy rất rõ điều đó. Có thể nói, định hướng này không chỉ phù hợp với đặc điểm, lịch sử, địa lý riêng có của Thăng Long - Hà Nội, mà còn đáp ứng được xu thế phát triển.

Hướng tới một thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Hà Nội đã triển khai hàng loạt dự án, đề án nâng cao chất lượng môi trường như thử nghiệm nạo vét và xử lý nước sông hồ, đầu tư xử lý nước thải làng nghề, nước thải sinh hoạt… Và rất đáng ghi nhận là Chương trình  mục tiêu trồng một triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Không chỉ “về đích” sớm hai năm so với kế hoạch, chương trình còn để lại dấu ấn về cách tiếp cận mới - dựa trên công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị cũng như tính mỹ thuật của cây xanh trong không gian đô thị. Việc nghiên cứu hướng gió, hướng ánh sáng, ứng dụng công nghệ 3D trong việc trồng cây, tỉa cành… đã mang lại kết quả hết sức tích cực mà mỗi người Hà Nội đều có thể cảm nhận trên muôn nẻo phố phường.

Khu vực Hồ Gươm đã trở thành một vườn thực vật với nhiều loài cây, nhiều tầng tán, mỗi mùa mang một nét đẹp riêng. Đại lộ Võ Nguyên Giáp đã thật sự là một không gian trình diễn cây xanh đô thị, nơi hội tụ của hàng nghìn cây chà là, long não, hoa ban… Trong lòng thành phố, cây xanh trải rộng vỉa hè, “đứng chân” trên dải phân cách giữa hai làn đường làm cho những Láng Hạ, Xã Đàn, Đại Cồ Việt... trở nên thi vị. Ở những đô thị cũ và mới xuất hiện nhiều hơn những vườn cây gia đình với đủ loại hoa hồng, hoa lan... Làng quê Hà Nội cũng xanh hơn, với việc gìn giữ cây di sản và những con đường xanh, con đường hoa nối xóm, thôn với những cánh đồng… 

Hà Nội đang xanh từng ngày, bên những hàng cây sấu, xà cừ, hoa sữa, sao đen, phượng... là những ban đỏ, muồng vàng, cọ dầu, bàng lá nhỏ… và rất nhiều thảm hoa, cây cảnh giàu tính mỹ thuật. Điều này cũng tạo nên sức hấp dẫn mới của cây xanh Hà Nội.

Cùng với tư duy xanh, nhiều người Hà Nội đang tìm về với lối sống gần thiên nhiên, với triết lý sống hài hòa cùng thiên nhiên đã ngấm vào tâm thức ngàn đời. Có lẽ cũng vì vậy mà những đô thị xanh xuất hiện ngày càng nhiều. Với sự kết hợp giữa cây xanh, hồ nước với kiến trúc hiện đại, những Vinhomes Riverside, Gamuda Gardens, hay Ecopark (không trên địa bàn thành phố nhưng là nơi cư trú của nhiều người Hà Nội) đã thổi một làn gió xanh vào đời sống đô thị. Cùng với đó là những công trình xanh như chung cư Seasons Avenue ở Hà Đông hay những ngôi nhà xanh bên hồ Tây huyền thoại… Tất cả đã làm nên một diện mạo mới, một hướng phát triển mới cho đô thị Hà Nội. Đây cũng là nền tảng để Hà Nội định hình một thành phố xanh đúng nghĩa.

Người Hà Nội sẽ tạo ra thành phố xanh theo cách của riêng mình. Đó là một đại đô thị sinh thái có sự hài hòa giữa màu xanh cây lá với không gian mặt nước theo quy hoạch có tầm nhìn lâu dài. Đó là những không gian xanh đô thị thể hiện chiều sâu văn hóa cũng như lối sống gần thiên nhiên. Và đó còn là nền công nghiệp xanh, giao thông xanh… Sự lựa chọn đúng đắn đó cho tương lai, trên cơ sở quy hoạch, định hướng, công tác quản lý thực hiện quy hoạch của chính quyền thành phố, rất cần đến những đóng góp, gánh vác của cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.