(HNMO) – Giữa vùng đồng bằng khô cằn của sa mạc New Mexico, giữa khu thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên và biên giới Mỹ-Mexico, một thành phố mới đang mọc lên từ cát.
Hãng tin CNN cho biết, thành phố này được xây dựng cho quy mô dân số 35.000 người và được giới thiệu là một khu kinh doanh hiện đại, với các dãy nhà san sát nhau ở vùng ngoại ô. Thành phố sẽ có các đường phố, công viên, khu mua sắm và một nhà thờ.
Nhưng chẳng có ai coi nó là nhà.
Dự án thành phố CITE (Trung tâm Đổi mới, thử nghiệm và đánh giá) này là một mô hình đầy đủ của một thị trấn Mỹ tiêu biểu. Tuy nhiên, nó sẽ được sử dụng như một nơi để phát triển các công nghệ mới vốn sẽ định hình môi trường đô thị trong tương lai.
Thành phố được thiết kế cho 35.000 dân |
Đề án trị giá 1 tỷ USD này do Công ty viễn thông và công nghệ Pegasus Global Holdings chủ trì sẽ dành 15 dặm vuông cho các thí nghiệm đầy tham vọng trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, truyền thông và an ninh.
CITE cũng sẽ có các khu chức để phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp, năng lượng và xử lý nước mới. Một mạng lưới thu thập dữ liệu dưới lòng đất sẽ cung cấp thông tin phản hồi chi tiết theo thời gian thực.
Những người lập dự án cho biết, đây sẽ là nơi có thể tiến hành các thử nghiệm mà không phải lo lắng về những ảnh hưởng của cuộc sống thường nhật. Nếu không có dân cư sinh sống, khả năng thí nghiệm là vô tận.
Những thiết bị không người lái có thể được sử dụng trên những con đường có khả năng phản ứng, được các thiết bị giao thông theo dõi từ trên cao. Các ngôi nhà được thiết kế để có thể sống sót với thiên tai và được trang bị các tính năng robot. Các nguồn năng lượng thay thế, như năng lượng Thorium, có thể được thử nghiệm ở quy mô lớn.
Một mẫu nhà ở với các tính năng nổi trội |
CITE được mô tả như là một "bước trung gian" giữa phòng thí nghiệm thử nghiệm một công nghệ với việc đưa nó tiếp cận tới công chúng. Sau khi được đề xuất lần đầu vào năm 2011, CITE đã phải vật lộn để tìm được địa điểm phù hợp và dự án đã bị trì hoãn trong 2 năm. Sau khi tìm được vị trí và chờ giấy phép, dự án có thể triển khai. Dự án sẽ được khởi công trong năm nay và thành phố mới dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2018.
Mô hình về "thành phố tương lai" đang lan rộng trên toàn thế giới, từ thành phố chất thải tự do Masdar City ở Các tiểu vương quốc Ả rập đến Thung lũng PlanIT của Bồ Đào Nha, trong đó sử dụng 100 triệu bộ cảm biến được kết nối với nhau.
Nhưng những người quản lý CITE tin tưởng, dự án của họ sẽ nổi bật, không chỉ vì là thành phố dành riêng để thử nghiệm, mà còn là thành phố có các thí nghiệm đa dạng, quy mô và có thể phục vụ khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.