Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Thanh Hóa là đô thị loại I, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TP. Thanh Hóa luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa...
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Thanh Hóa đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Tối 16/11, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP. Thanh Hóa, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Thanh Hóa là đô thị loại I.
Tới dự tại Lễ kỷ niệm có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, nhân dân TP. Thanh Hóa.
Trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Thanh Hóa là đô thị loại I, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, TP. Thanh Hóa luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thanh Hóa, là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với vùng Bắc Trung bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước.
TP đã hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thu nhập bình quân đạt mức gần 4.000 USD/người/năm, tăng trưởng trung bình 14,5%. Cơ sở hạ tầng đô thị được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, cảnh quan thay đổi hơn hẳn nhiều lần trước đây.
Với tầm vóc, quy mô đô thị mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn TP. Thanh Hóa sẽ là động lực của tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh tiên tiến của vùng Bắc Trung bộ.
Để làm được điều đó, các cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống quê hương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của tỉnh, thành phố, phát triển nhanh, bền vững với bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống an sinh xã hội, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phấn đấu xây dựng đô thị kiểu mẫu, trật tự, xanh, sạch đẹp,...
Được biết đến từ Trấn thành Thanh Hoa thời vương triều Nguyễn năm 1804, Thanh Hóa luôn giữ vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của Thanh Hóa - vùng đất đặc trưng của đất nước, đóng góp to lớn cho công cuộc vệ quốc và và kiến lập sơn hà, sinh ra và nuôi dưỡng cho non sông nhiều bậc anh hùng hào kiệt, nhiều chí sỹ, văn nhân.
Sau nhiều biến cố lịch sử, với nhiều lần thay đổi địa điểm và tên gọi, đến năm 1994 thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố. Trong 20 năm qua, với sự nỗ lực, phấn đấu, TP đã phát triển toàn diện về mọi mặt, kinh tế luôn tăng trưởng cao và phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%.
Tổng thu nhập ngân sách thành phố luôn chiếm 40% ngân sách toàn tỉnh. Trong 3 năm (2010 - 2013) thành phố đã huy động 40.104 tỷ đồng, dự kiến cả nhiệm kỳ đạt 60.000 tỷ đồng. Hiện thành phố có 2.712 doanh nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp đôi, dự kiến năm 2015 đạt 5.010 USD.
Đây là những bước tiến mang tính đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tại thành phố đã mở rộng từ 57 km2 lên gần 150 km2; 18 phường, xã nay đã là 37 phường, xã (gồm 20 phường, 17 xã) với gần 400 nghìn dân. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố triển khai lập đầy đủ 18 quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 và nhiều quy hoạch chi tiết kêu gọi đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.