Xã hội

“Thành phố không khói rơm rạ”: Đích gần, khói vẫn… lan xa

Nhóm phóng viên 06/10/2019 16:00

Hà Nội đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ”. Trong lộ trình đó, các huyện, thị xã phải “cán đích” sớm, hết năm 2019 sẽ không còn khói rơm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 9 cho đến nay, sau thu hoạch vụ mùa, việc đốt rơm rạ trên nhiều cánh đồng ngoại ô vẫn phổ biến.

Đống rơm lớn sau nhiều ngày được hong khô đanh, chỉ đợi gặp mồi lửa là bốc lên bùng bùng. Nóng rát và ngạt thở, ông Linh lùi lại vài bước. Rơm cháy bén, khói trắng mù mịt trườn dần về phía đường liên xã Cổ Loa. Vài hộ quanh ruộng nhà ông Linh cũng đều làm vậy để lấy tro bón ruộng, chuẩn bị làm đất trồng màu. “Không đốt đi thì mang về nhà làm gì?” - ông Linh lẩm bẩm mà không ý thức được việc mình đang làm đã gây “ảnh hưởng nặng nề” tới môi trường. 

Ảnh hưởng cụ thể ra sao? - những chuyên gia về môi trường như GS.TS Hoàng Xuân Cơ có thể phân tích cặn kẽ. Cụ thể là đốt phế thải nông nghiệp này sẽ tạo ra các khí độc hại như CO, NO2, SO2, H2O, đặc biệt là bụi mịn, khí CO2, BC.

“Theo tính toán, trung bình một héc-ta lúa cho khoảng 11 tấn rơm rạ. Vì thế, khi số rơm rạ này bị đốt, một khối lượng rất lớn các chất độc hại thải ra làm ô nhiễm môi trường và bầu khí quyển, thậm chí gây biến đổi khí hậu. Điển hình là những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội không tốt, trong đó có sự góp phần không nhỏ bụi mịn từ đốt rơm rạ ở một số huyện”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu.

Không chỉ tại Đông Anh, tình trạng đốt rơm cũng diễn ra ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Dọc theo tỉnh lộ 417 nối từ xã Võng Xuyên về thị trấn Gạch (huyện Phúc Thọ), nhiều ngày qua mịt mù khói rơm khiến người tham gia giao thông vào chiều tối gặp không ít khó khăn.

Không những gây ô nhiễm môi trường, rơm đốt gần đường, khói bốc mù mịt luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đặc biệt, tại huyện Sóc Sơn, người dân đốt rơm gần sân bay quốc tế Nội Bài khiến Cảng vụ Hàng không miền Bắc phải gửi công văn đề nghị huyện vào cuộc ngăn chặn để không làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không...

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Rất nhiều trong số này bị người dân đốt bỏ trên cánh đồng. Việc đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm tại chỗ mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí tại Thủ đô.

Khi không khí bị ô nhiễm, bụi mịn là từ thường xuyên được nhắc đến. PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp, Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, thông thường các hạt bụi mà con người có thể nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet được tạo ra nhiều từ việc đốt rơm rạ sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít vào phổi, bụi đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh.

Trước những ảnh hưởng nặng nề từ việc đốt rơm rạ, Hà Nội đang triển khai mô hình “Thành phố không đốt rơm rạ” với quyết tâm đến năm 2020, rơm rạ không còn bị đốt bỏ. Theo lộ trình, năm 2018, thành phố xây dựng mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019, “Huyện, thị xã không đốt rơm rạ”.

Ông Cao Duy Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, đến nay nhiều quận, huyện đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại các các huyện từ cuối tháng 9 cho đến đầu tháng 10-2019 của lực lượng liên ngành thành phố cho thấy vẫn còn nhiều “điểm đen” về đốt rơm rạ. 


Do đâu khói trắng mịt mù?

Huyện Thanh Trì có vài xã lọt vào danh sách “điểm đen” này. Ông Nguyễn Mạnh Hiến, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, qua trực tiếp kiểm tra tại 3 xã có diện tích đất khoảng 350 ha được quy hoạch để trồng lúa ổn định là Đại Áng, Tả Thanh Oai và Vĩnh Quỳnh, đến cuối tháng 9-2019, các hộ dân mới gặt khoảng 45% nên chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ về khối lượng rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, ông thừa nhận, việc các hộ dân đốt rơm rạ vẫn tái diễn và chưa được xử lý triệt để. 

“Khi phát hiện ra có hộ đốt rơm, huyện yêu cầu chính quyền xã xử lý ngay, không để lan sang các hộ khác. Tuy nhiên, biện pháp chính của cấp xã vẫn là tuyên truyền nhắc nhở mà chưa có chế tài xử phạt”, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nêu và cho biết, đến nay Thanh Trì chưa xử phạt bất cứ trường hợp đốt rơm rạ nào. 

Thanh Trì còn một số "điểm đen" về đốt rơm rạ.

Việc thiếu và yếu các chế tài xử lý các trường hợp đốt rơm rạ cũng đang làm khó cho huyện Phúc Thọ. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đoàn Văn Quyền cho biết, đa số hộ dân đốt rơm rạ vào lúc chiều, tối nên cơ quan chức năng khó kiểm tra, phát hiện. Hơn nữa, nếu có phát hiện cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở, chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe để bà con không tái phạm.

Trong vụ mùa năm 2019, toàn huyện Phúc Thọ trồng khoảng 3.000 héc-ta lúa. Lượng rơm sau thu hoạch chỉ một phần được nông dân bán cho các cơ sở trồng nấm, chăn nuôi và một số hộ dùng để che phủ cho cây đậu tương vụ đông..., phần còn lại đốt ngay trên đồng.

“Nhiều bà con nói họ suốt ngày ở ngoài đồng, trong khi “các anh” tuyên truyền trong thôn nên không nghe được gì. Chủ tịch cả 3 xã khi báo cáo trước huyện đều than “khó” bởi người dân không chịu tự bỏ kinh phí ra mua chế phẩm sinh học xử lý rơm. Và cũng không xã nào có người đi thu gom rơm để bán. Lúa sau thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn, rơm bị thổi tung và nát, nếu bà con thu gom 1 tấn mới bán được giá khoảng 3 triệu đồng thì họ chọn lựa nhiều công việc khác cho ra thu nhập tốt hơn”, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Cường nêu thêm trở ngại.

Anh Trần Quang Huy (trú tại xóm Hòe, xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), người được cung cấp danh tính, số điện thoại trong danh sách thu mua rơm cho bà con, thừa nhận điều đó. Giá thu mua rơm thấp, bà con không cần bán, thậm chí sẵn sàng “cho không” để sạch sẽ ruộng đồng. Tuy nhiên, hộ thu mua gia đình nhà anh Huy cũng không lấy được rơm tại Thanh Trì bởi thiếu các hộ dân đứng ra kết nối, thu gom.

Rơm không xử lý bằng chế phẩm sinh học, cũng không có người thu mua, bà con Thanh Trì lại quen tay đốt bỏ cho nhanh.

Nhanh hơn Thanh Trì,  huyện Thường Tín hiện đã hoàn tất việc thu hoạch lúa mùa. Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện nêu con số thống kê rõ ràng về lượng rơm rạ khoảng gần 21.000 tấn. 58,9% số rơm này được sử dụng làm phân bón cho cây trồng hoặc để lại ruộng tự phân hủy; 34% lượng rơm được bán cho các đơn vị thu mua; gần 10% dùng để trồng nấm, thức ăn cho gia súc…

Và chỉ có 1% số rơm các hộ đốt tự phát tại ruộng, nằm rải rác tại một số vị trí xứ đồng có diện tích nhỏ. Các hộ đốt rơm tại các xã Nghiêm Xuyên, Tân Minh được liệt vào “điểm đen” để chính quyền xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở. Do chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe nên việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục vẫn là biện pháp chủ yếu để “đả thông” tư tưởng, thay đổi thói quen của người dân nơi đây. Với những chuyển biến đáng kể trong nhận thức của bà con, Thường Tín tự tin vào cuối năm nay sẽ trở thành “Huyện không đốt rơm rạ”. 

Tuy nhiên, nhiều đống rơm đốt cháy nghi ngút trên những thửa ruộng nằm sát ven quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Liên Phương vào chiều ngày 1-10 sẽ là thách thức không nhỏ trong chặng về đích “không khói rơm” của Thường Tín.

Người dân xã Liên Phương (Thường Tín) đốt rơm gần quốc lộ 1A.

Còn tại Đông Anh, số rơm mà ông Nguyễn Hữu Linh (xã Cổ Loa) đã đốt chỉ là phần rất nhỏ trong khoảng 4.500 tấn rơm bị đốt ngoài đồng mỗi năm. “Chính quyền xã phổ biến nhiều biện pháp để xử lý rơm rạ, nhưng chúng tôi cần phải có người hướng dẫn tận tay, hỗ trợ thuốc xử lý rơm rạ sau mỗi vụ gặt”, đống rơm đốt vừa cháy tàn cũng là lúc ông Nguyễn Hữu Linh (Đông Anh) kiến nghị.

Ông Linh không đại diện cho nhân dân xã Cổ Loa, lại càng không phải đại diện cho những nông dân đốt rơm của những huyện khác. Nhưng tâm tư của ông lại là mong mỏi, nguyện vọng chung của không ít người.


“Thuốc” xử lý rơm rạ - người dân chưa sẵn sàng bỏ tiền túi

Ông Cao Duy Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, để thực hiện lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã hướng dẫn 20 quận, huyện, thị xã lập giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, trong đó ưu tiên việc dùng chế phẩm sinh học xử lý lượng phụ phẩm này làm phân bón. 

Nông dân xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) thu gom rơm ủ thành phân hữu cơ. Ảnh: Đào Huyền

Năm 2019, UBND thành phố và UBND các huyện, thị xã hỗ trợ chi phí xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Fito - Biomix - RR theo diện tích đã được UBND các quận, huyện, thị xã đã đăng ký. Tổng mức hỗ trợ từ các cấp là 40% và người dân tự chi trả 60% kinh phí. Tuy nhiên, đến tháng 6-2019, mới chỉ có 9/19 quận, huyện, thị xã đã đăng ký diện tích xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học này.

Một số huyện như Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mê Linh, Sóc Sơn đã sử dụng nguồn kinh phí  từ Hội nông dân hoặc của huyện hỗ trợ người dân sử dụng một số loại chế phẩm sinh học khác như AT-YBT, EM, Emic... Tuy nhiên, các loại chế phẩm sinh học này lại chưa được UBND thành phố chấp thuận sử dụng trong lộ trình hạn chế tiến tới không đốt rơm rạ giai đoạn 2017-2020.

“Nhiều quận, huyện, thị xã chưa chủ động ưu tiên phân bổ kinh phí, huy động các nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ việc xử lý rơm rạ cũng như chưa có cơ chế ưu đãi cho các hộ nghèo sử dụng chế phẩm sinh học, trong khi người dân lại không muốn bỏ tiền túi nên giải pháp này hiện mới chỉ phát huy hiệu quả ở những đơn vị được làm thí điểm, phát chế phẩm miễn phí”, ông Thái nhận định.

Ngoài khó khăn khách quan về thiếu hụt kinh phí hỗ trợ, sau 10 năm đồng hành hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ, Ths Lê Đình Duẩn, Giám đốc Công ty CP Công nghệ vi sinh và môi trường còn hiểu rõ nguyên nhân khác xuất phát từ chính người dân. 

“Kinh doanh sản phẩm men vi sinh không thể đơn giản như nhiều mặt hàng tiêu dùng khác. Chẳng hạn, với mắm, muối, mì chính… ai mua về cũng biết cách sử dụng, trong khi men vi sinh đòi hỏi quá trình đào tạo, hướng dẫn lâu dài. Nhiều khi bà con được tuyên truyền, biết là dùng men vi sinh rất có lợi, nhưng khi vừa đào tạo xong, quay lại đã thấy họ lại đốt rơm rạ vì đã… quên cách ủ men. Điều này cho thấy việc đốt rơm rạ đã thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân. Để thay đổi nhận thức này không thể ngày một, ngày hai…”, ông Duẩn nêu.

Để sử dụng được sản phẩm men vi sinh ủ rơm và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ, nông dân phải được tập huấn nhiều lần.

Trong các biên bản làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành theo kế hoạch của Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các huyện đều truyền tải kiến nghị, mong muốn của bà con được thành phố hỗ trợ 100% kinh phí mua men vi sinh, triển khai mô hình thí điểm xử lý rơm rạ bằng chế phẩm này trên địa bàn mỗi huyện cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ trồng nấm, hộ chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu và thức ăn từ rơm rạ.


Khi chế phẩm nông nghiệp "biến" thành tiền

Câu chuyện thành phố Hà Nội phải xử lý với hàng triệu tấn rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác phát sinh sau mùa vụ cũng đã từng là bài toán chung của nhiều quốc gia canh tác lúa nước trong khu vực.

“Hai năm trước, cứ vào độ tháng 10 tới đầu tháng 11, một bầu không khí đặc quánh sẽ bao trùm cả ngôi làng do người dân đồng loạt đốt rơm rạ. Thế nhưng, giờ đây, điều này không còn xảy ra nữa, kể từ khi chúng tôi chuyển sang trồng nấm rơm”, nông dân Naresh Kumar tại ngôi làng Puthar, bang Haryana, Ấn Độ nói khi đang nhanh tay thu hoạch nấm.

Nông dân Ấn Độ thu hoạch nấm rơm.

Ông Kumar là một trong 20 nông dân tại làng Puthar thu lợi từ việc sử dụng rơm rạ sau canh tác nông nghiệp để trồng nấm. Do rơm cung cấp đủ chất dinh dưỡng để nấm sinh trưởng nên người dân không cần chăm sóc quá cầu kỳ. Nhận thấy nguồn lợi từ trồng nấm rơm, nhiều gia đình tại ngôi làng này đã không ngừng mở rộng các cơ sở trồng nấm, nâng tổng số lượng trang trại nấm rơm tại đây lên tới con số hơn 100.

“Một héc-ta lúa thải ra khoảng 2,6 tấn rơm. Kể từ khi phát triển ngành trồng nấm rơm, nông dân đã không phải xử lý khoảng 46.000 tấn rơm rạ mỗi năm mà lại có thêm thu nhập cao từ ngành trồng nấm”, ông Rajendra Singh, một quan chức nông nghiệp của địa phương cho biết. 

Còn tại ngôi làng Furukawa, Nhật Bản, rơm sau khi thu hoạch sẽ được sử dụng để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nghệ nhân Tomio Numata đã bắt đầu sáng tạo những sản phẩm bằng rơm từ khi còn nhỏ tuổi. Khi mới 8 tuổi, ông Numata đã tự tay làm những đôi giày bằng rơm cho cả gia đình. Nhiều bạn bè cùng trường tiểu học với ông đã thích thú bắt chước và cùng sáng tạo thêm nhiều sản phẩm hữu ích bằng rơm để sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Đến nay, ông Numata cùng nhiều nghệ nhân khác đã mở một cửa hàng giới thiệu những sản phẩm thủ công độc đáo bằng rơm mang tên gọi Satoyama. Nhờ bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những cọng rơm tưởng chừng như là phế phẩm đã trở thành những sản phẩm thân thiện với môi trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới cùng chung tay kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa…

Tại một quốc gia châu Á khác là Thái Lan, nhà máy điện sinh học Phichit sản xuất điện năng từ khoảng 150.000 tấn rơm rạ mỗi năm, đạt công suất khoảng 9,5 MW. Nguồn nguyên liệu của nhà máy được thu gom từ nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp trong vùng, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng đốt rơm rạ làm ô nhiễm môi trường. 

Chưa thể thử nghiệm việc sản xuất điện năng từ rơm rạ, một số huyện của Hà Nội như Đông Anh, Phú Xuyên, Đan Phượng… đã có nhiều mô hình dùng rơm để trồng nấm; che phủ cây, làm thức ăn chăn nuôi… Tuy nhiên, những hoạt động thu mua, tận dụng rơm rạ này còn nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến lượng rơm tiêu thụ chưa nhiều. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện xây dựng đề án dùng rơm rạ để trồng nấm nhưng mô hình vẫn còn nhỏ, chưa phát triển rộng, lượng rơm thu gom để sử dụng không đáng kể. Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh, sau mỗi vụ sản xuất, lượng rơm rạ phát sinh rất lớn, nhiều nông dân lúng túng trong xử lý nên chọn giải pháp đốt.

Khói đốt rơm vẫn mù mịt trên nhiều cánh đồng ngoại thành Hà Nội.

Thế nên, trong khi chờ những mô hình, đề án vẫn đang trong diện thực hiện thí điểm được tổng kết để nhân rộng hay có những cách làm khác, hiệu quả hơn để biến rơm, từ phụ phẩm nông nghiệp, thành sản phẩm có giá trị... từ những cánh đồng ngoại thành Hà Nội khói vẫn lan xa. Làn khói tưởng như vô hình ấy đang là vật cản lớn cho đích phấn đấu trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ” đã quá gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Thành phố không khói rơm rạ”: Đích gần, khói vẫn… lan xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.