(HNMO) - Bão số 4 (bão Noru) được dự báo đổ bộ vào khu vực các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào đêm 27-9, nhưng sẽ gây thời tiết bất lợi ở các tỉnh Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương đang khẩn trương thực hiện kế hoạch phòng, chống.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 27 đến 28-9, ở khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi. Lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi hơn 350mm/đợt. Tại Tây Nguyên, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai được cảnh báo rủi ro cấp độ 3 khi bão đổ bộ (duyên hải miền Trung là cấp độ 4).
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, huyện là địa bàn xung yếu của tỉnh khi có bão lũ. Toàn huyện có 77 điểm của 11 xã có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; có 55 công trình thủy lợi có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét và 3 công trình nguy cơ sạt lở; có 31 vị trí ở khu dân cư của 8 xã có nguy cơ sạt lở, lũ quét, tốc mái; có 17 khu sản xuất có nguy cơ ngập lụt... Ngày 26-9, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, các xã khẩn trương rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét và lên các phương án ứng phó.
Sáng 26-9, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý đường, các đơn vị đang thi công các công trình tổ chức trực bão, lũ 24/24 giờ trên các công trình đang triển khai thi công, đảm bảo giao thông thuận tiện cho người và phương tiện, tránh gây ùn tắc cục bộ kéo dài. Bố trí xe máy, thiết bị ứng trực để kịp thời xử lý các sự cố công trình, tình huống phát sinh gây ùn tắc giao thông kéo dài.
Tại Gia Lai, đợt mưa lớn kéo dài một tuần qua gây nhiều thiệt hại. Nay địa phương lại căng mình chống bão số 4. Cụ thể, theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, từ ngày 13 đến 22-9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông đã làm hàng trăm héc-ta diện tích cây trồng ngã đổ, hàng chục nhà dân ngập nước, hơn 20m bờ kênh mương nội đồng bị sạt lở.
Sáng 26-9, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công điện số 03 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022, có dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực Bắc Tây Nguyên. Theo đó, từ tối 26 đến ngày 29-9, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất trên sườn dốc tại các xã, phường: Phù Đổng (thành phố Pleiku), Đak Rong (huyện K'bang), Ia Sươm, Ia Mlah, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar (huyện Krông Pa), Đak Pling (huyện Kông Chro), Ia Ake (huyện Phú Thiện). Một số địa phương khác có sông, suối cần thường xuyên theo dõi thời tiết để giảm thiểu thiệt hại.
UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Trong đó, tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động biện pháp phòng, chống giảm thiểu thiệt hại...
UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải có phương án rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng và đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống.
Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo, khi bão số 4 vào gần bờ biển miền Trung, dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua Trung Trung Bộ nối với hoàn lưu bão số 4 sẽ tác động mạnh đến thời tiết khu vực Nam Bộ trong 2 ngày tới. Cụ thể, Nam Bộ sẽ ảnh hưởng bởi rìa phía nam của dải hội tụ nhiệt đới và hoàn lưu bão số 4 nên sẽ có mưa nhiều, có nơi mưa vừa, mưa to. Riêng thành phố Hồ Chí Minh sẽ mưa nhiều về chiều tối.
Đáng chú ý, đợt mưa lớn này trùng với đỉnh triều dâng cao, dự kiến vào các ngày 27 và 28-9. Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai đang lên nhanh ở mức 1,58-1,63m (xấp xỉ báo động III). Dự báo nhiều khu vực dân cư ở huyện Nhà Bè và các quận 7, 4 cùng thành phố Thủ Đức sẽ bị ngập khoảng 30cm nước.
Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định: “Do mưa lớn kết hợp triều cường nên khả năng gây ngập nặng tại các khu dân cư, đường phố ở khu vực trũng, khu vực ven kênh, rạch, sông. Ngoài ra, thời tiết còn kèm dông, gió giật rất nguy hiểm. Người dân cần đặc biệt chú ý khi di chuyển ngoài đường lúc chiều tối”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.