Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tuần đầu học sinh đi học an toàn

Bích Ngọc – Thu Hoài| 17/12/2021 15:43

(HNMO) - Ngày 17-12, thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua tuần đầu thí điểm cho khoảng 150.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường học trực tiếp, sau hơn 3 tháng phải học từ xa để phòng, chống dịch Covid-19. Dù còn có những trục trặc ban đầu, nhưng tỷ lệ học sinh đến lớp ngày càng tăng. Nhà trường và phụ huynh đã phối hợp tốt để các em được học tập an toàn.

Học sinh trường THCS Lý Phong (quận 5) đo thân nhiệt và rửa tay khử khuẩn trước khi vào trường.

Nỗ lực đưa học sinh đến trường

Sáng 17-12, tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, anh Lâm Ngọc Thanh, phụ huynh học sinh lớp 9 đưa con đến trường, chia sẻ: “Từ đầu tuần tới giờ, tôi luôn đưa con đi học, trực tiếp thấy công tác phòng dịch của nhà trường được thực hiện tốt. Phụ huynh yên tâm, các cháu đi học nhiều hơn”. Còn em Lê Huyền Thông, học sinh lớp 9 của nhà trường nói: “Năm nay em thi vào cấp 3. Qua một tuần học trực tiếp, em thấy mình tiếp thu kiến thức tốt hơn so với học qua internet”.

Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Có tới 90% phụ huynh lớp 9 đồng ý để con em mình đến trường học trực tiếp. 10% số học sinh còn lại vì nhiều lý do chưa thể đến trường sẽ học trực tuyến. Chúng tôi cũng đã diễn tập các tình huống xử lý khi có F0 xuất hiện trong nhà trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên khi dạy, học trực tiếp”.

Lớp học tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đảm bảo giãn cách, thông thoáng.

Thông tin kỹ hơn về quy trình phòng, chống dịch tại nhà trường, cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp) cho biết, nhà trường đã bố trí phòng học trống giữa các lớp 9. Khi khối lớp 6 và lớp 9 cùng học, sẽ bố trí khác tầng và vẫn có phòng trống giãn cách giữa các lớp; bố trí khu vực bán trú riêng. Khi các khối lớp 7 và 8 đi học (từ tháng 1-2022), nhà trường bố trí lịch học trực tiếp lệch thứ 2, 3, 4 cho khối lớp 7, 8 và thứ 5, 6, 7 cho các khối lớp 6 và 9.

"Nếu học sinh phơi nhiễm vào ba ngày học ở trường thì bốn ngày ở tại nhà cũng sẽ đủ thời gian bộc lộ các triệu chứng nhiễm Covid-19 trước khi các con quay trở lại trường vào tuần sau. Từ đó, gia đình và nhà trường có phương án phòng dịch hiệu quả hơn cho mọi học sinh", cô Hoàng Thị Thu nói.

Giáo viên thường xuyên hướng dẫn các em học sinh cách phòng, chống Covid-19.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng thông tin, qua khảo sát trước thời điểm các em đến trường (ngày 13-12), hơn 80% số phụ huynh học sinh lớp 9 và lớp 12 đồng ý cho con em trở lại trường và phối hợp với nhà trường cùng bảo vệ các em an toàn trước dịch bệnh. Ngay ngày đầu đi học, con số này tăng lên 90,69%. Qua 5 ngày đi học, tỷ lệ học sinh đến trường đã tăng lên 93,62%.

Để chuẩn bị cho học sinh đến trường, trong gần 2 tháng qua, ngành Y tế thành phố đã phối hợp với ngành Giáo dục hoàn thành việc tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 85% trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Hữu Hưng khẳng định: “Việc kéo dài học trực tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Ngoài việc các em hạn chế trong tiếp thu kiến thức, việc học trực tuyến kéo dài còn kéo theo nhiều bệnh như cận thị, loạn thị, cong vẹo cột sống... Đi học trực tiếp là nhu cầu thực sự của học sinh”.

Một số trường đông học sinh, ít phòng học vẫn gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách.

Khắc phục hạn chế, dạy học an toàn

Thực tế dạy và học tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 1) trong tuần qua cho thấy sự khó khăn nếu các trường phải thay đổi kế hoạch giảng dạy theo tuần, tương ứng với cấp độ dịch địa phương nơi đặt trường, vì đây là kế hoạch khó có thể xây dựng ngắn hạn. “Ngoài ra, chúng tôi đề xuất cần có quy định rõ hơn về kinh phí và nhân lực thực hiện test nhanh sàng lọc Covid-19 cho học sinh và giáo viên khi trong trường có F0”, thầy Huỳnh Thanh Tú, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo Phòng GD-ĐT quận 8, do dân số đông, học sinh nhiều, nên một số trường trên địa bàn không thể thực hiện cách thức tách đôi lớp để dạy và học. Một số trường phải trộn 3 lớp chia thành 4-5 phòng học để đảm bảo giãn cách giữa các học sinh. Nhiều trường học ở quận Tân Bình cũng thực hiện cách này, khi chọn phòng học có diện tích rộng, bố trí 2 dãy bàn học sát tường, chừa lối đi rộng ở giữa để đảm bảo giãn cách học sinh. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa, dù một số trường trên địa bàn quận cũng làm theo cách này, nhưng khi học sinh các khối lớp khác đến trường từ tháng 1-2022, sẽ không đủ phòng học. Thực tế này rất cần hướng dẫn của Sở GD-ĐT và UBND các cấp.

Ngành Giáo dục và Y tế thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm phòng, chống dịch tốt, đưa​học sinh đến trường ngày một nhiều hơn.

Đánh giá việc thí điểm dạy và học trực tiếp trong tuần qua, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù phát hiện 8 ca F0 (gồm 6 học sinh và 2 giáo viên), nhưng do đã có phương án xử lý, nên các trường không bị gián đoạn việc dạy và học. Tâm lý học sinh và giáo viên ổn định, ủng hộ ngành Giáo dục tiếp tục thí điểm trước khi đưa học sinh các khối lớp khác đến trường trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Dương Trí Dũng, những vấn đề gặp phải trong 2 tuần thí điểm dạy và học trực tiếp sẽ được cơ quan hữu quan ghi nhận và đưa ra phương án xử lý thỏa đáng, với mục tiêu cao nhất là tạo sự an toàn cho học sinh và giáo viên, đưa các em trở lại trường nhiều hơn.

“Ngành Giáo dục và Y tế đã xác định nguồn lây Covid-19 cho các em có thể là người trong gia đình; người các em gặp trên đường và người trong trường học. Nếu làm tốt khâu phòng bệnh ở các môi trường này thì các em học sinh, dù tiêm hay chưa tiêm vắc xin, vẫn có thể đến trường an toàn”, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tuần đầu học sinh đi học an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.