Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nới lỏng nhiều hoạt động xã hội

Nhóm phóng viên| 15/11/2021 17:34

(HNMO) - Theo thông báo mới nhất ngày 15-11, thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng) trong phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố tiếp tục mở thêm nhiều hoạt động xã hội theo hướng an toàn tới đâu, mở ra tới đó, đã mở là an toàn.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến chiều 15-11.

Ngày 15-11, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sau 2 tuần thí điểm việc cho phép hàng quán được bán đồ uống có cồn tại thành phố Thủ Đức và quận 7, hoạt động này diễn ra an toàn.

Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm việc bán đồ uống có cồn tại thành phố Thủ Đức và quận 7, tại một số địa phương khác, có hiện tượng một số hàng quán “bán chui” rượu bia. Cơ quan chức năng địa phương đã xử lý nghiêm những trường hợp này.

Điển hình, tối 14-11, Tổ Công tác UBND phường 9, quận Gò Vấp kiểm tra tại quán Lẩu dê Anh Ba, đường Nguyễn Văn Khối. Tại đây, rất đông thực khách đang ăn và uống bia. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất UBND quận xử phạt 15 triệu đồng. Cũng trong tối 14-11, có 4 cơ sở khác cũng bị UBND phường 9 xử phạt 13,5 triệu đồng.

Chủ tịch UBND phường 9 Nguyễn Song Luân cho biết: “Các cơ sở này vi phạm việc bán đồ uống có cồn; phục vụ quá 50% công suất… Địa phương sẽ tiếp tục tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại quận 7 và thành phố Thủ Đức có kết quả khả quan.

Sở Công Thương đã có báo cáo sơ kết việc thí điểm bán đồ uống có cồn tại thành phố Thủ Đức và quận 7; kết quả quản lý địa bàn của các địa phương. Từ đó, Sở đề nghị UBND thành phố cho phép các hàng quán tại các quận, huyện còn lại của thành phố được bán đồ uống có cồn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: “Các cửa hàng bán đồ ăn uống tại chỗ phải đảm bảo kê bàn ghế giãn cách đúng quy định; bán đồ uống có cồn phải đóng cửa trước 21h. Chính quyền địa phương có thẩm quyền cho phép và quản lý các hàng quán này hoạt động đúng quy định”.

Các quán hát nhạc sống, hát với nhau tại thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động trở lại.

Ngày 15-11, trước thực trạng nhiều quán cà phê nhạc sống, quán hát với nhau hoạt động trở lại, trong khi các hàng karaoke chưa được mở cửa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hoạt động này được phép tổ chức theo tinh thần Quyết định 3582/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố về Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động thư viện, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, di tích.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Mai Bá Hùng cho biết, các cơ sở hát nhạc sống, hát với nhau phải tuân thủ 10 tiêu chí để được cấp mã QR hoạt động.

“Các tiêu chí rất chặt chẽ, như việc khách đến cơ sở phải có thẻ xanh Covid, đo thân nhiệt, ngồi giãn cách. Cơ sở kinh doanh thông thoáng, khử khuẩn thường xuyên…”, ông Mai Bá Hùng nói.

Về hoạt động vận tải công cộng, tính đến ngày 15-11, thành phố Hồ Chí Minh đã có 86/126 tuyến xe buýt hoạt động trở lại. Theo Sở Giao thông - Vận tải, trong số này, có 84 tuyến trợ giá và 2 tuyến không trợ giá. Lái xe, phụ xe đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Khách đi xe đảm bảo giãn cách, quét mã QR khai báo y tế trước khi lên xe.

Đã có 84/126 tuyến xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại.

Chị Vũ Kim Yến, ngụ tại phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Sáng nay, tôi đã ra Công viên 23-9 để đi xe buýt, sau khi biết tuyến 19 (từ Bến xe buýt Sài Gòn đến Đại học Quốc gia) đi thành phố Thủ Đức hoạt động trở lại. Đây là tuyến tôi đi thường xuyên trước đây”.

Còn anh Lê Đình Dũng, lái xe tuyến 19 vui vẻ nói: “Được đi làm trở lại sau chuỗi ngày dài tạm nghỉ, lái xe, tiếp viên xe buýt rất phấn khởi. Chúng tôi luôn nhắc nhở hành khách thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19”.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh, thành phố còn 40 tuyến xe buýt chưa khôi phục hoạt động, trong đó, có 6 tuyến xe buýt có trợ giá và 34 tuyến xe buýt không trợ giá. Trong khi các doanh nghiệp các tuyến không trợ giá còn phải tính toán doanh thu thì 6 tuyến có trợ giá là các tuyến liên tỉnh, chỉ hoạt động khi các địa phương bạn thống nhất chủ trương.

Theo phân loại mới nhất, huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh thuộc cấp độ 3 (vùng cam), với 1 xã vùng xanh, 3 xã, thị trấn vùng vàng và 3 xã, thị trấn vùng cam. Tuy nhiên, phần lớn F0 tại Cần Giờ là công nhân mới trở lại khu công nghiệp làm việc, được doanh nghiệp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và trả về nơi cư trú (huyện Cần Giờ) quản lý, không phải các ổ dịch nội tại mới phát hiện. Trong khi đó, dân số Cần Giờ chỉ có 75.000 người, nên tỷ lệ F0 tính trên 100.000 dân cao, địa phương phải tăng cấp phòng dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nới lỏng nhiều hoạt động xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.