(HNMO) - Ngày 18-8, tiếp tục triển khai chiến lược mới điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh theo hướng tăng năng lực điều trị cho bệnh nhân, chăm lo an sinh xã hội cho người dân, các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực.
Tăng năng lực tiếp nhận điều trị
Tiếp tục chiến lược tăng cường cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18-8, UBND quận Tân Bình phối hợp Bệnh viện Thống Nhất tổ chức khánh thành Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 1.000 giường, đặt tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm của quận. Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 50.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn tiến trung bình và nặng theo mô hình tầng 2 của tháp điều trị 3 tầng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (đơn vị vận hành bệnh viện dã chiến này) cho biết, bệnh viện có chức năng tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng theo hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Y tế và Sở Y tế. Việc thành lập và đi vào hoạt động của Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 quận Tân Bình giúp chia sẻ và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Với số cơ sở y tế điều trị Covid-19 tăng lên hằng ngày, thành phố Hồ Chí Minh đứng trước áp lực mới, đó là thiếu nhân lực, bao gồm nhân viên y tế và điều dưỡng viên, người chăm sóc bệnh nhân làm việc tại các cơ sở này. Để giải quyết vấn đề, ngày 18-8, Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản triển khai việc tăng cường nhân lực y tế cho thành phố.
Theo đó, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát và huy động đội ngũ y, bác sĩ đang trong khu phong tỏa; huy động tối đa nguồn nhân lực từ các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn phụ trách. Triển khai bố trí nguồn nhân lực của ngành Y tế hiện cư trú tại các khu phong tỏa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cũng từ ngày 18-8, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động chương trình “ATM F0”. Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết, những người đã từng là F0 hiểu được quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân; sau khi khỏi bệnh, họ có kháng thể ban đầu chống lại SARS-CoV-2, nên có nhiều lợi thế khi cùng các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mới.
“Những “chiến binh F0” này sẽ giúp các y, bác sĩ phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường của bệnh nhân để thông tin cho nhân viên y tế xử lý. Mỗi tình nguyện viên sẽ được chương trình hỗ trợ từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng”, ông Đặng Hồng Anh cho biết thêm.
Tăng cường trợ giúp người khó khăn
Chăm sóc an sinh xã hội là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hồ Chí Minh trong chiến lược chung về phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố. Nhiều doanh nghiệp, bộ, ngành trung ương và các sở, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hình thức chăm lo đời sống cho người dân.
Đơn cử, từ ngày 18-8 đến 3-9-2021, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) phối hợp với các địa phương triển khai trao tặng 6.000 phần quà thiết yếu tới các hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn 6 tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi phần quà sẽ bao gồm gạo, trứng, cá khô, nước mắm, nước tương và một số gia vị cơ bản khác với giá trị tương đương 500.000 đồng.
Cũng trong ngày 18-8, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Tấm lòng mùa dịch - San sẻ yêu thương”.
Dự kiến, đến ngày 15-9, hơn 533.000 người làm nghề lao động tự do, người bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, vận chuyển bằng xe ba gác, bán vé số; người lao động làm thuê thời vụ tại cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch và một số lĩnh vực phải tạm ngừng hoạt động... được nhận phần quà trị giá 300.000 đồng, gồm 5kg gạo, dầu ăn, đường trắng, bột canh, nước tương, bí đỏ, khoai tây, trứng gà… Tổng trị giá các phần quà lên đến 160 tỷ đồng.
Về phía thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, hiện có 1,58 triệu hộ lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, đang phải thuê nhà trong các xóm trọ. Thành phố sẽ hỗ trợ mỗi hộ 1.500.000 đồng tiền thuê nhà các tháng 8 và 9-2021. Với 2,5 triệu người lao động có hoàn cảnh khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ mỗi người 1.000.000 đồng và 10kg gạo.
“Người dân cứ ở trong nhà, các cấp chính quyền, sở, ngành, đoàn thể của thành phố sẽ đem tiền, hàng hỗ trợ đến tận nơi”, ông Lê Minh Tấn nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.