Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Sớm phát hiện và bịt những ''lỗ hổng'' trong phòng, chống dịch

Thu Hoài| 22/05/2021 20:15

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa liên tiếp phát hiện 5 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và 1 ca nghi nhiễm có vùng hoạt động rộng. Cùng với việc khẩn trương khoanh vùng dập dịch, ngành y tế cũng đã ngay lập tức rút ra được nhiều bài học để khống chế dịch bệnh tốt hơn.

 Phòng khám đa khoa ở quận 10 phải tạm đóng cửa vì có bệnh nhân mắc Covid-19 đến khám.

Kẽ hở phòng dịch tại phòng khám tư nhân

Liên tiếp trong vòng một tuần qua, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 5 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng và 1 người đàn ông nghi nhiễm ở quận Gò Vấp (đang chờ xét nghiệm khẳng định). Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trong số này đến khám tại phòng khám tư nhân, rồi được giới thiệu, tự lên bệnh viện tuyến trên và được phát hiện nhiễm Covid-19.

Cụ thể, ngày 19-5, BN4780 (nữ, sinh năm 1963, ngụ tại quận 3, bán hàng ăn tại nhà) có dấu hiệu ho, sốt. Người này tự đến Trung tâm Y khoa Medic (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) khám. Sau khi có kết quả chụp X-quang phổi và CT scan phổi thấy có tổn thương, người bệnh được hướng dẫn đến khám tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Kết quả xét nghiệm tại đây là nghi nhiễm Covid-19. Sau đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định người này nhiễm Covid-19.

Tương tự, bệnh nhân tại quận Gò Vấp (bệnh nhân nam, sinh năm 1958, cư trú tại phường 8), chiều tối 20-5, có biểu hiện sốt, ho, khó thở nên đi khám tại một phòng khám tư nhân ở phường 14, quận Gò Vấp. Phòng khám đã chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Mẫu xét nghiệm nhanh cho kết quả nghi nhiễm. Hiện cả 2 phòng khám ở quận 10 và quận Gò Vấp nêu trên đều phải đóng cửa phòng dịch.

Tính đến ngày 22-5, thành phố Hồ Chí Minh đang có 7 khu tạm phong tỏa để phòng dịch.

“Kẽ hở đang tồn tại ở quy trình xử lý trường hợp có triệu chứng bệnh tại phòng khám tư nhân. Nếu như tại các bệnh viện, trước khi chuyển người bệnh lên tuyến trên, bệnh viện phải xét nghiệm và chỉ chuyển người bệnh khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, thì phòng khám tư nhân chưa đủ năng lực thực hiện xét nghiệm nhanh tương tự”, bà Nguyễn Thị Hạnh, 63 tuổi, nguyên cán bộ của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét. Theo bà Hạnh, việc các phòng khám giới thiệu người bệnh tự đến bệnh viện tuyến trên để được khám kỹ hơn dễ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh ngay lập tức nhận ra kẽ hở này và có biện pháp khắc phục. Ngày 22-5, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các trung tâm y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện ngay việc quản lý, hướng dẫn quy trình khám, chuyển người bệnh từ các phòng khám đa khoa lên cơ sở y tế tuyến trên.

Theo đó, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở như đã quy định, các phòng khám này phải xác định: Mỗi khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, các bác sĩ phải xác định ai cũng có thể là người nhiễm Covid-19, từ đó thực hiện chẩn đoán loại trừ Covid-19. Nếu phát hiện người bệnh có yếu tố nguy cơ thì phải cách ly ngay người bệnh, sau đó liên hệ đến trung tâm y tế quận, huyện, hoặc HCDC hay Phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế để được hướng dẫn xử trí tiếp theo. Các phòng khám tuyệt đối không được giới thiệu người bệnh tự đi đến các bệnh viện để khám và điều trị khi phát hiện người bệnh có yếu tố nguy cơ. Khi cần vận chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện có đủ điều kiện tiếp nhận, phải dùng xe cấp cứu của phòng khám hoặc của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tìm hiểu kỹ yếu tố dịch tễ của người bệnh để ngăn chặn lây nhiễm Covid-19.

Thêm những bài học mới

Qua công tác xử lý phòng dịch 3 chuỗi lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày qua, ngành Y tế thành phố nhận thấy có nhiều điều cần lưu ý để công tác này ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Thứ nhất, các ca nhiễm đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến các địa phương trên cả nước có xảy ra dịch Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ vừa qua. Theo HCDC, kết hợp kết quả giải mã gene với thông tin dịch tễ ca nhiễm tại quận 7 (BN4583) và thành phố Thủ Đức (BN4514) được khẳng định có cùng một nguồn lây do biến chủng B.1.617.2 của Ấn Độ. Nữ bệnh nhân tại quận 3 (BN4780) nhiễm biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh, đang gây bệnh tại Đà Nẵng và Hà Nam). Đây là lần đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh.

Thứ hai, thời gian ủ bệnh của các ca nhiễm này rất lâu, lên đến 15-20 ngày, cho thấy diễn biến dịch bệnh lần này phức tạp hơn các lần trước. Đơn cử như việc ca bệnh BN4583 đi Hải Phòng từ ngày 24-4 đến 5-5 mới về thành phố Hồ Chí Minh và đi làm, nhưng đến tận ngày 18-5, đồng nghiệp của cô là BN4514 mới phát bệnh. Đặc biệt, con của BN4780 đi Đà Nẵng dịp 30-4, nhưng đến ngày 20-5, cả 3 mẹ con mới phát bệnh.

Đáng lưu ý, các chuỗi ca nhiễm này đều tự đi khám bệnh khi có triệu chứng ho, sốt, chứ không báo y tế như khuyến cáo của ngành y tế. Việc chủ động khai báo y tế điện tử khi có triệu chứng cũng không được các bệnh nhân thực hiện, dẫn đến chậm phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, việc khoanh vùng xử lý cũng vất vả hơn. Đơn cử, với chùm ca nhiễm của BN4514 và BN4583, ngành y tế đã phải khoanh vùng xét nghiệm, theo dõi hơn 10.000 người.

 Tăng cường tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại khu dân cư.

Vấn đề nêu trên cho thấy cần tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân nhận thức đúng đắn những hệ lụy khôn lường nếu để dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, để từ đó tự giác thực hiện những biện pháp phòng tránh và sẵn sàng hợp tác với cơ quan y tế khi có triệu chứng nhiễm bệnh.

Ngoài ra, nhiều ca nhiễm liên quan đến các hàng quán vỉa hè, với nhiều người qua lại. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ngay lập tức quyết định những hàng quán này không bán tại chỗ từ 0h ngày 22-5, chỉ bán mang đi.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh), rất có thể vẫn còn các ca nhiễm Covid-19 đang ở trong cộng đồng; đã khỏi bệnh hoặc đang ủ bệnh. Việc truy tìm nguồn lây “gốc” không phải là việc ưu tiên. Cứ khi xác định được ca nhiễm, hãy coi đây là ca cộng đồng và thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Điều cần làm nghiêm là thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Sớm phát hiện và bịt những ''lỗ hổng'' trong phòng, chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.