(HNMO) - Thành phố đề ra mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2030, trong đó chú trọng đa dạng hóa loại hình nhà ở, nhất là nhà ở giá thấp để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng.
Nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%
Với dân số đông nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu nhà ở giá rẻ phục vụ đa số người có thu nhập thấp ở đô thị. Anh Lê Thanh Toàn, đang ở trọ tại phường Tân Thuận Đông (quận 7) cho biết, nhà ở giá rẻ hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh gần như không còn. “Trong năm vừa qua, chúng tôi tìm nhà ở có giá dưới 1 tỷ đồng/căn mà không có”, anh Toàn chia sẻ.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu hụt nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, đặc biệt là thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Cụ thể, cả năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Năm 2020, thành phố đã phát triển được 8,87 triệu mét vuông sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở lên 190,73 triệu mét vuông. Trong đó, nhà ở riêng lẻ do dân tự xây với diện tích 5,19 triệu mét vuông sàn, chiếm tỷ lệ 58,52% tổng diện tích sàn nhà ở xây dựng mới; phát triển nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỷ lệ 41,48% tổng diện tích sàn nhà ở xây dựng mới, với 52 dự án nhà ở (diện tích 3,68 triệu mét vuông sàn).
Bình quân diện tích nhà ở của thành phố là 20,63m2/người, thấp hơn khá nhiều so với diện tích nhà ở bình quân của cả nước (24m2/người).
Khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, HoREA vừa đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét, sớm ban hành quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm 4 bước: Lập thủ tục “văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư 2020; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính liên quan; lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cho chủ đầu tư) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (cho người mua nhà).
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, người nhập cư có thể phân thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người muốn sống ổn định, lâu dài tại thành phố nên dù thu nhập thấp hay cao, họ đều có xu hướng lựa chọn nhà ở theo dự án hoặc mua nhà ở riêng lẻ tập trung chủ yếu tại thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12… Nhóm thứ hai là những người mới đến thành phố, có nguồn thu nhập chưa ổn định nên thường tìm đến nhà ở giá thấp hoặc nhà ở cho thuê.
Dự báo, nhu cầu về nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2030 là 149,4 triệu mét vuông sàn, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 81,4 triệu mét vuông sàn.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, UBND thành phố Hồ Chí Minh chủ trương đa dạng hóa các loại hình nhà ở, đồng thời đề ra các giải pháp để hỗ trợ chủ đầu tư. Cụ thể, đối với nhà ở thương mại, sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đối với nhà ở xã hội, thực hiện đa dạng hóa các phương thức đầu tư; bố trí quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại trên 10ha. Đối với nhà ở do người dân tự xây, sẽ đơn giản thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...
Bà Hứa Kim Lan, ở phường 2 (quận 5) chia sẻ: “Tôi sắp xây nhà 4 tầng, được cán bộ phường 2 hướng dẫn theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 là không cần xin cấp phép, chỉ cần nộp hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật là có thể triển khai. Việc đơn giản thủ tục hành chính khiến người dân rất mừng”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình nhà ở, trong đó khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê, thành phố sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong việc đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, qua đó, góp phần bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường nhà ở, từng bước đáp ứng nhu cầu người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.