Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa vai trò là hạt nhân phát triển của Đông Nam Bộ

Minh Sơn – Phương Nam| 18/03/2023 16:40

(HNMO) – Ngày 18-3, tại tỉnh Bình Phước, đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Quang cảnh hội nghị.

Tham dự hội nghị, có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo UBND các địa phương Đông Nam Bộ (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu); Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng đông đảo đại diện các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 nghìn km2, dân số hơn 18 triệu người, có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.

Bản đồ vùng Đông Nam Bộ.

Các đại biểu đánh giá, triển khai hợp tác các mặt từ năm 2016 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với tất cả các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Qua đó, nâng cao và phát huy vai trò của Đông Nam Bộ là khu vực trung tâm giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.

Đơn cử, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thông tin, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã đến Tây Ninh đầu tư 42 dự án với hơn 7.100 tỷ đồng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá, còn một số “điểm nghẽn” trong phối hợp liên kết phát triển giữa các địa phương Đông Nam Bộ, điển hình như việc chưa có cơ chế phối hợp để tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng; chưa cùng giải quyết tình trạng người nhập cư cao nhất cả nước; hạ tầng giao thông liên vùng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; chưa thống nhất định hướng quy hoạch địa bàn giáp ranh để kết nối vùng…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố mới ký kết hợp tác song phương với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, còn Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có chương trình hợp tác cụ thể. Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn sơ kết các chương trình hợp tác và bàn chương trình khác chung cho cả vùng, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các địa phương vùng Đông Nam Bộ ký kết chương trình hợp tác đến năm 2025.

Thời gian tới, các địa phương thống nhất hợp tác đầu tư xây dựng các tuyến vành đai, quốc lộ, cao tốc, trong đó có Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước), đường sắt đô thị kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Bình Dương và Đồng Nai, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…

Cùng với đó, phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài – Thành phố Hồ Chí Minh - cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Xây dựng đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc vùng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương trong vùng cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển; chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu kết luận hội nghị.

“Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng", đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Tại hội nghị, 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 về các nội dung: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa vai trò là hạt nhân phát triển của Đông Nam Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.