Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực vì môi trường sạch đẹp

Hà Phạm| 05/10/2020 07:16

(HNM) - Qua 5 năm thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hồ Chí Minh đã mang lại nhiều kết quả khích lệ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo (2021-2030), thành phố đề ra nhiều mục tiêu để môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Người dân dọn rác, làm sạch một tuyến kênh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều chuyển biến tích cực

Ghi nhận thực tế tại những nơi trước đây từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở một số quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều bãi rác tự phát, bốc mùi hôi thối, nay đã được thay thế bằng những vườn hoa xanh tươi, là nơi vui chơi, tập thể dục cho mọi người... Ông Lê Văn Giáp, ngụ tại khu phố 4 (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) chia sẻ: “Chính quyền địa phương cùng nhân dân đã đồng lòng chung sức xây dựng được sân tập thể dục thể thao, sân chơi thiếu nhi ở khu phố 4 từ bãi rác tự phát. Chúng tôi rất phấn khởi vì được hưởng một cuộc sống trong lành hơn, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng cũng được nâng lên”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, qua 5 năm (2016-2020) thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường, thành phố đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao ý thức và nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sự chuyển biến căn bản về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm. Thành phố đã hoàn thành 12/16 chỉ tiêu đề ra, đạt 75% kế hoạch. Điều đáng nói, các chỉ tiêu môi trường nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân đều đạt kết quả tốt. Cụ thể, đến tháng 9-2020, có 54/56 xã xây dựng nông thôn mới đạt chỉ tiêu về vệ sinh môi trường (chiếm 96%); 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch...

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, thành phố cũng hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như: 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động; 97,5% nước thải bệnh viện và 99% nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn môi trường; 96% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế… "Những kết quả này là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu cho giai đoạn tới", bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết.

Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường với các mục tiêu như: Tiếp tục giữ vững và nâng cao các chỉ tiêu đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; 100% cộng đồng dân cư cam kết không xả rác bừa bãi; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn về môi trường; 100% tỷ lệ nước thải bệnh viện, chất thải y tế được xử lý; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động... Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 80% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ tiên tiến.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, thành phố khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu chất thải, khí thải độc hại. Với những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, hiện thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện, lần lượt xử lý 2.000 tấn và 500 tấn rác thải các loại mỗi ngày, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023. Tại bãi rác lớn nhất thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, một doanh nghiệp cũng đang dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, xử lý khoảng 2.000 tấn rác/ngày.

Trong khi đó, các cấp chính quyền địa phương cũng đang tích cực nhập cuộc với các giải pháp đồng bộ. Tại quận 1, Bí thư Quận ủy Trần Kim Yến, cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích, lan tỏa trong cộng đồng những mô hình sáng tạo, cách làm hay để chung tay bảo vệ môi trường. Trong đó, quận sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Khu phố sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” (hiện đã có 66 khu phố đạt); tiếp tục thực hiện các công trình, giải pháp xanh; thực hiện tiêu chí "Phường, xã, thị trấn sạch và xanh, thân thiện".

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: "Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường để chính quyền, người dân và doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực vì môi trường sạch đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.