Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Một mô hình y tế cơ sở hiệu quả

Thanh Tàu| 07/12/2018 06:22

(HNM) - Ngành Y tế TP Hồ Chí Minh vừa triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh.

Người dân đến Trạm Y tế phường 13 (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) khám bệnh.


Người dân hưởng lợi

Đưa con đến khám và tiêm chủng vắc xin phòng ngừa cúm, chị Nguyễn Thị Trung (36 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cho biết, nhà cách Trạm Y tế phường 13 không xa, nhưng trước đó mỗi lần có người thân đau ốm gia đình đều đưa thẳng lên bệnh viện tuyến trên, bởi cảm thấy yên tâm hơn dù phải chờ đợi lâu. Gần đây, chị đã đưa con đến trạm y tế khám thấy các bác sĩ nhiệt tình, chu đáo, cơ sở vật chất đầy đủ, sạch sẽ... nên đã tin tưởng đưa người thân đến đây chứ không lên tuyến trên.

Còn chị Lê Thị Hạnh (32 tuổi, ở phường 13, quận Bình Thạnh) kể: “Tôi đưa con đến Trạm Y tế phường 13 để tiêm chủng sởi cho cháu. Trước khi tiêm, bác sĩ đã khám và phát hiện cháu bị nhọt to ở đầu khiến tôi rất lo. Sau khi được bác sĩ của trạm trao đổi và được bác sĩ chuyên khoa nhi của Bệnh viện Nhi đồng 2 tư vấn trực tuyến về việc có chống chỉ định tiêm tạm thời, tôi đã an tâm và đồng ý cho cháu tiêm ngừa sởi”.

Theo báo cáo của Trạm Y tế phường 13, tính đến ngày 28-11, tại đây đã thực hiện 2.944 lượt tiêm chủng, tăng 559 lượt so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện 5.286 lượt khám, chữa bệnh cho người dân. Dược sĩ Bùi Ngọc Thanh Thảo, Phó Trưởng trạm Y tế phường 13 cho biết, sau khi được đổi mới hoạt động, tăng cường nhân lực từ bệnh viện quận, người dân đã bắt đầu tin tưởng hơn vào trạm y tế. Bằng chứng là số lượt khám, chữa bệnh tại trạm có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là hoạt động tiêm chủng.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh cho hay, trước đây quận Bình Thạnh có 10 trạm y tế có phòng khám bác sĩ gia đình nhưng không có bác sĩ, không có máy móc, thiếu thuốc nên người dân không đến khám. Được sự đầu tư của Sở Y tế thành phố, đến nay Trạm Y tế phường 13 có phòng khám sơ cấp cứu - thủ thuật, khám tổng quát - sàng lọc tiêm chủng, y dược cổ truyền, chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, khám thai..., đồng thời có hệ thống xét nghiệm sinh hóa, siêu âm, X-quang, đo điện tim. Ngoài ra, với những ca bệnh khó, bác sĩ ở trạm y tế được các bệnh viện quận, bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ hội chẩn qua điện thoại thông minh. Các bác sĩ tuyến trên có thể trò chuyện trực tiếp với bệnh nhân ở trạm y tế. Cùng với đó, bác sĩ của trạm y tế cũng được cử sang bệnh viện quận học tập, rèn luyện tay nghề...

Triển khai tại tất cả quận, huyện

Có thể thấy, một điểm mới mà các trạm y tế sẽ thực hiện khi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trên địa bàn từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời. “Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá, thay đổi bộ mặt của các trạm y tế, để mỗi khi người dân có vấn đề về sức khỏe, họ sẽ tới đây thay vì lên bệnh viện tuyến trên như hiện nay”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm cho hay.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh cho biết, bệnh viện tham gia hỗ trợ trạm y tế ở 4 quận, cử 29 bác sĩ thuộc các chuyên khoa (mỗi chuyên khoa cử hai bác sĩ là trưởng và phó trưởng khoa) thường xuyên tham gia hỗ trợ và tư vấn trực tuyến về chuyên môn cho trạm y tế. Khi gặp các ca bệnh khó ở trạm y tế thì bác sĩ ở trạm sẽ liên lạc trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện để tư vấn và hội chẩn. Nếu cả hai bác sĩ đều bận hoặc có trường hợp phát sinh thì lãnh đạo bệnh viện sẽ phân công, điều động thêm bác sĩ hỗ trợ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đang được thí điểm tại Trạm Y tế phường 13 (quận Bình Thạnh). Ngoài đầu tư trang thiết bị cơ bản phục vụ chuyên môn, xây dựng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trên cơ sở tăng cường những loại thuốc thiết yếu, Sở đã hướng đến mục tiêu trọng tâm là tăng cường nhân lực chuyên môn... Người bệnh được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tại trạm y tế không thua kém bệnh viện, mặt khác bệnh nhân sẽ giảm được thời gian chờ đợi, công sức đi lại. Mô hình trên được Sở Y tế xây dựng với kỳ vọng sẽ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bệnh ngay tại tuyến cơ sở, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Sở Y tế chủ trương tăng cường mỗi trạm tối thiểu phải có 2 bác sĩ thường trực. Đây là những bác sĩ được luân chuyển từ bệnh viện quận, huyện về trạm y tế theo chu kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. Dự kiến, sau Trạm Y tế phường 13 (quận Bình Thạnh), năm 2019, Sở sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại 23 quận, huyện còn lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Một mô hình y tế cơ sở hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.