Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Mong sẽ không còn những vụ cháy thương tâm

Thanh Trúc| 10/05/2021 15:12

(HNMO) - Vụ cháy nghiêm trọng trong căn nhà ống tại quận 11 thành phố Hồ Chí Minh hôm 7-5 vừa qua làm 8 người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhà ống, đòi hỏi các cấp, các ngành cần đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Căn nhà bị cháy trong hẻm nhỏ rộng hơn 1m trên đường Lạc Long Quân, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh gây nhiều khó khăn cho lực lượng PCCC.

Những vụ cháy thương tâm

Khoảng 17h ngày 7-5, ngọn lửa bùng lên tại căn nhà ống 3 tầng trên diện tích đất khoảng 40m2 tại địa chỉ số 47/58/2 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11 thành phố Hồ Chí Minh. Dù lực lượng PCCC chuyên nghiệp đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng 11 phương tiện đến hiện trường và dập tắt đám cháy trong vòng 50 phút sau đó, nhưng vụ cháy vẫn làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 5 em học sinh (từ 10 đến 18 tuổi).

Theo quan sát của phóng viên, đây là căn nhà ống trong hẻm nhỏ rộng chỉ hơn 1m, có 1 lối ra vào duy nhất, phía sau là tường kín suốt 3 tầng nhà. Thậm chí, căn nhà không có cả cửa thông hơi, vì sát với tường nhà phía sau. Đây là kiểu nhà ống rất đặc trưng của các khu dân cư cũ, đông đúc… tại thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa, chủ nhà lại sản xuất, kinh doanh xi đánh bóng gạch, được chế biến từ sáp nến và dầu hỏa, ngay tại tầng 1 của căn nhà. Nguyên nhân gây cháy cũng do công nhân làm đổ xi đánh bóng, khiến chất dễ cháy này chảy vào bếp lửa, làm cháy cả căn nhà.

Căn nhà bị cháy tại quận 11 hôm 7-5 chỉ có 1 lối ra vào duy nhất, nên người bên trong không thể thoát ra khi có cháy.

Trước đó, ngày 30-3, một vụ cháy nghiêm trọng khác cũng đã xảy ra tại đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một căn nhà cấp 4, tường và mái bịt tôn, chỉ có 1 lối ra vào duy nhất. Nhà có 5 xe máy để gần cửa ra vào, phía trong là các phòng ngủ. Khi ngọn lửa bùng phát giữa đêm tại khu vực để xe máy do chập điện, 7 người trong nhà đã không có lối thoát, nên 6 người thiệt mạng, 1 người bị thương nặng.

Theo thống kê của Công an thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 4-2021, toàn thành phố xảy ra 25 vụ cháy, làm chết 9 người, làm bị thương 1 người (bao gồm cả vụ cháy ngày 30-3). Trong số này, có tới 13 vụ cháy xảy ra tại nhà đơn lẻ.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó phòng Cảnh sát PCCC - Cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hồ Chí Minh, thông tin: Khi xảy ra hỏa hoạn, vật dụng trong nhà cháy, đổ, bịt kín lối thoát. Khói độc từ các loại hàng hóa bị cháy chỉ cần 30 giây là đã có thể làm một người khỏe mạnh ngất và tử vong vì ngạt.

Lực lượng PCCC thành phố Hồ Chí Minh tập huấn kỹ năng chữa cháy cho cán bộ, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh.

Triển khai nhiều giải pháp

Luật PCCC đã có quy định rõ: Đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh từ 300 m2 trở lên thì do cơ quan Công an quản lý; dưới 300m2 do UBND cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý… Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai.

Đơn cử như với vụ cháy tại nhà số 47/58/2 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11. Theo UBND phường 1, chủ căn hộ tại địa chỉ vừa mới triển khai việc sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy tại gia từ ngày 2-5-2021 và chưa thực hiện các thủ tục xin cấp phép, nên chính quyền chưa nắm bắt được. Ông Trần Phi Long, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 11 cho biết, ngay sau khi vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, bên cạnh công tác hỗ trợ, thăm hỏi gia đình các nạn nhân, quận đã triển khai chỉ đạo của UBND thành phố về tổng rà soát nguy cơ cháy nổ và công tác PCCC trên địa bàn.

Trên quy mô toàn thành phố, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1436/KH-UBND ngày 7-5-2021 về triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, từ nay đến hết ngày 15-10-2021, các cấp chính quyền cơ sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, sớm phát hiện nguy cơ cháy nổ phát sinh trong cộng đồng dân cư; nghiên cứu trang bị và đề xuất trang bị các loại phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp như: Xe chữa cháy mi ni, máy bơm chữa cháy, thiết bị cứu hộ, mặt nạ phòng độc... để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy, nổ.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm quy định tạo khoảng lùi phía sau nhà ống để có khoảng không thoát hiểm, cứu hộ khi xảy ra sự cố.

Cùng với đó, các ngành, các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ hộ gia đình và người dân sinh sống, làm việc tại khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh.

UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng nhà ống theo văn bản số 2370/SXD-CPXD ngày 10-3-2015 của Sở Xây dựng. Cụ thể, trên diện tích đất dưới 50m2, chủ nhà được xây kín đất, nhưng không quá 4 tầng; khuyến khích chủ hộ tạo lối thoát hiểm phía trước hoặc phía trên căn nhà; bố trí đường thông khí, thông khói. 

Với những diện tích lô đất trên 50m2, nếu xây nhà có chiều cao từ 16m trở lên, phải xây lùi phía sau 2,5m. Nhà cao dưới 16m, phải xây lùi phía sau 2m, tạo lối thoát hiểm, cứu hộ khi xảy ra sự cố. Trên thực tế, các khu dân cư xây mới tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang thực hiện tốt quy định này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu chỉ đạo: Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định PCCC, sớm phát hiện và xử lý nguy cơ cháy nổ, để không xảy ra những ca tử vong thương tâm do cháy như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Mong sẽ không còn những vụ cháy thương tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.