Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy ý kiến về Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

Nhóm phóng viên| 13/06/2023 14:01

(HNMO) – Ngày 13-6, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.

Quang cảnh hội nghị.

Theo dự thảo, mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí tuyến đường. Toàn bộ số thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố sẽ nộp vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố…

Có 5 khu vực thu phí ở nhiều vị trí khác nhau, với giá thuê được tính toán dựa trên việc so sánh với giá đất bình quân trong khu vực. Cụ thể, tại khu vực 1 (các tuyến đường có giá đất bình quân bằng hoặc cao hơn 36.812.000 đồng/m²) gồm: Các tuyến đường trung tâm dùng để trông giữ ô tô, xe máy có giá thuê là 350.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 180.000 đồng/m²; đối với các hoạt động khác mà không dùng để trông giữ xe có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. 

Tại khu vực 2 (giá đất bằng hoặc cao hơn 13.659.000 đồng/m²) gồm: Các tuyến đường trung tâm có giá thuê 100.000 đồng/m², các tuyến đường còn lại có giá thuê 70.000 đồng/m². Đối với khu vực 3, khu vực 4 có giá thuê từ 60.000 đồng/m² thu phí sử dụng tạm thời lòng đường. Khu vực 5 có giá thuê bằng nhau ở tất cả tuyến đường là 50.000 đồng/m².

Ngoài ra, mức phí cho thuê lòng đường, vỉa hè cho các hoạt động khác có giá 20.000 - 100.000 đồng/m² tùy từng khu vực.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu góp ý.

Góp ý đối với dự thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và Pháp luật - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những quy định này đúng theo quy định của pháp luật. Khoản thu này sẽ góp phần giúp ngành Giao thông có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đô thị.

Bà Bùi Diệu Tâm, người dân khu phố 1, phường Bến Nghé, quận 1, cho rằng mức thu như dự thảo là hợp lý, nhưng khi triển khai phải bảo đảm được vừa khai thác vỉa hè tốt, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. “Mục đích chính của vỉa hè phải là bảo đảm an toàn giao thông cho người đi bộ, đảm bảo tốt về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị”, bà Tâm nói.

Góp ý cho dự thảo, ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 nêu ý kiến: Thứ nhất phải xem xét vỉa hè, lòng đường là nguồn phát triển kinh tế của địa phương và người dân sống, kinh doanh tại tuyến đường đó. Thứ hai là hình thành các tuyến đường chuyên doanh về văn hóa, về kinh tế, có các khu vực là lịch sử văn hóa đan xen với nhau. Thứ ba là không thể chấp nhận nhà quản trị chỉ tập trung thu phí mà không có lề đường cho người dân đi để mất trật tự an toàn giao thông. Phải bảo đảm tính dân chủ và tính công bằng của các đối tượng thụ hưởng hoặc chịu tác động.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Quang Lâm phát biểu.

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương đánh giá cao những ý kiến đóng góp và cho biết, mục tiêu của đề án không phải chỉ tạo nguồn thu mà thu còn để góp phần điều tiết hoạt động đô thị.

“Sau hội nghị này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện hộ gia đình, lực lượng công an về dự thảo đề án và các văn bản liên quan, trình HĐND thành phố xem xét thông qua trong năm 2023”, ông Trần Quang Lâm nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Lấy ý kiến về Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.