Ngày 21-11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác với 7 trường đại học, học viện có đào tạo ngành Công tác xã hội về chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giải đoạn đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, công tác xã hội được nhìn nhận là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới hàng thế kỷ nay. Tính chuyên nghiệp của công tác xã hội được thể hiện rõ trong huy động nguồn lực, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề xã hội đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần bảo đảm nền an sinh xã hội của quốc gia.
Thời gian qua, nhiều chương trình, giải pháp được thực hiện nhằm giải quyết tốt những vấn đề xã hội phát sinh trong từng giai đoạn như: Chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học; chương trình Bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tự nguyện; chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn; chương trình phòng, chống HIV-AIDS; chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em… Nay, những hiệu quả này cần được tiếp tục phát huy.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nội dung hợp tác trọng tâm của các đơn vị là xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến trên địa bàn thành phố.
Chia sẻ tại hội nghị, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, Trường Đại học Lao động - Xã hội tại cơ sở II (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, công tác xã hội là một nghề mới tại Việt Nam, đòi hỏi sự chung tay, phối hợp giữa các ngành, cơ sở đào tạo để thúc đẩy phát triển công tác xã hội. Việc ký kết hợp tác là điều cần thiết và vô cùng ý nghĩa, nhất là trong hỗ trợ, chia sẻ thông tin, nguồn lực; tạo điều kiện để sinh viên thực hành, phát triển sự nghiệp; cùng chung tay xây dựng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 92 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó, có 28 cơ sở công lập (Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy) và 64 cơ sở ngoài công lập đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 20.600 đối tượng; hơn 136.000 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.