Ngày 15-7, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin về kết quả đánh giá cơ sở y tế năm 2023 theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành (phiên bản 2.0).
Tổng số đơn vị được đánh giá chất lượng là 120 bệnh viện, bao gồm 51 bệnh viện công lập, 63 bệnh viện ngoài công lập, 4 trung tâm y tế có giường bệnh, 2 bệnh viện thuộc ngành (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa Bưu điện).
Có 2 bệnh viện không tham gia đánh giá là Bệnh viện đa khoa Gia Định (do thời gian hoạt động còn dưới 12 tháng) và Bệnh viện Giao thông vận tải (do đã được Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023).
Kết quả, có 41 bệnh viện đạt mức chất lượng khá trở lên (điểm chất lượng trung bình trên 4,0 theo thang điểm 5,0), chiếm 1/3 tổng số cơ sở được đánh giá, tăng 10,8% so với năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn 2 cơ sở có mức chất lượng dưới trung bình (điểm chất lượng trung bình dưới 2,5).
Ngoài các nội dung đánh giá như các năm trước (đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, Tiêu chí an toàn phẫu thuật, Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế), lần đánh giá này, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về điều kiện hoạt động khám sức khỏe; thực hành tốt bảo quản thuốc; mức ứng dụng công nghệ thông tin; hoạt động quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử...
5 bệnh viện dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện năm 2023 gồm 2 bệnh viện chuyên khoa Sản (Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ), 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia định) và 1 bệnh viện chuyên Khoa Nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1).
Nhìn chung, chất lượng các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã cải tiến ở tất cả các lĩnh vực từ năm 2022 đến năm 2023. Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 1,1% so với năm 2022, nhóm bệnh viện thành phố tăng 2,4% so với năm 2022 và nhóm bệnh viện quận, huyện tăng 0,9% so với năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2023 nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực Hướng đến người bệnh đạt điểm trung bình cao nhất (4,25/5), tăng 2,1% so với năm 2022. Tiếp theo là nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực Phát triển nguồn nhân lực bệnh viện có điểm trung bình đạt 3,94/5 tăng 3,1% so với năm 2022 (3,82). Nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực Hoạt động cải tiến chất lượng đạt điểm trung bình 3,71/5 tăng 6,3% so với 2022 (3,49).
Qua đợt đánh giá này, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận thấy một số vấn đề cần các bệnh viện đầu tư, quan tâm phát triển như hoạt động dinh dưỡng - tiết chế tại các bệnh viện chuyên khoa, hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số bệnh viện chuyên khoa tư nhân và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động chuyên môn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.