(HNM) - Thời gian qua, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số vụ ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng và trường học. Để giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, hiện các ngành chức năng và địa phương của thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường vai trò cơ quan chuyên trách, chính quyền cơ sở.
Vẫn xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm
Vụ ngộ độc thực phẩm đáng chú ý xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh là mới đây 10 người bị nhiễm chất độc Botulinum (độc tố thần kinh mạnh, gây liệt mềm ở người) khi ăn các sản phẩm pate Minh Chay, phải nhập viện điều trị. Trước sự cố này, hiện cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã liên hệ được với hơn 1.100 người trong số gần 1.300 người đã mua sản phẩm pate Minh Chay trong tháng 7 và tháng 8-2020. Tuy nhiên, cơ quan chức năng mới thu hồi được 103/1.559 sản phẩm đã được đặt mua.
Một vụ ngộ độc thực phẩm khác cũng khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng là vào ngày 12-9-2020, tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh), 53 học sinh, giáo viên phải nhập viện theo dõi, điều trị sau khi ăn bữa trưa và ăn nhẹ giữa buổi chiều tại trường. Bác sĩ Trương Thanh Trung, Trưởng phòng Y tế quận 2 cho biết, vụ việc này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, nhưng là hồi chuông báo động về bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở chế biến suất ăn sẵn, 883 căng tin phục vụ học sinh trong các trường học. Từ đầu năm đến hết tháng 8-2020, lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra hơn 100 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 10 cơ sở vi phạm; xử phạt 6 cơ sở với số tiền gần 200 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 1 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm của 1 cơ sở...
Mặc dù vậy, các vụ ngộ độc vẫn xảy ra dù không phải là phổ biến. Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, từ năm 2015 đến tháng 8-2020, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm, với hơn 200 người mắc. Anh Nguyễn Đức Tài, phụ huynh đang có con theo học tại Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (quận 12), bày tỏ: “Bữa ăn bán trú trong trường học nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung luôn được người dân rất quan tâm. Thực tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, khiến chúng tôi lo lắng”.
Tăng cường vai trò cơ quan chuyên trách, chính quyền cơ sở
Nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, thông tin: Thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát trước khi cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiếp tục thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm"... với mục tiêu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam, Sở đã phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm ký kết kế hoạch bảo đảm an toàn, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại trường học, giai đoạn 2020-2022. Theo đó, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000, Chuỗi thực phẩm an toàn...
Hiện nhiều trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai kế hoạch này. Thầy giáo Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) cho biết, ngoài việc lựa chọn những cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp suất ăn cho học sinh, nhà trường còn kết hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giám sát bữa ăn của các em.
Để tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan chuyên trách và chính quyền cơ sở trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định ủy quyền cho Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố và UBND 24 quận, huyện thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ nay đến ngày 1-4-2023. Theo đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc UBND quận, huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Với nhiều giải pháp đã, đang được triển khai, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.