(HNMO) - Ngày 28-4, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12-1-2018 của Ban thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thu hồi đất; thúc đẩy công tác giải ngân và đầu tư công năm 2023; phát động nội dung thi đua giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Vành đai 3.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 là dự án trọng điểm quốc gia đi qua 4 địa phương gồm thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Vành đai 3 sẽ kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh dài 47,5 km, đi qua bốn địa phương gồm thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Diện tích đất chiếm dụng 412ha, số hộ bị ảnh hưởng 1.671 trường hợp. Số trường hợp có nhà đất diện giải tỏa trắng là 663 trường hợp, trong đó đủ điều kiện tái định cư 410 trường hợp, không đủ điều kiện tái định cư 253 trường hợp.
Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh đặt ra mốc thời gian dự kiến bàn giao mặt bằng: “Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp, khởi công, trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023”. Đến nay, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Đường vành đai 3 đã có những chuyển biến rõ rệt, bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gắn liền với công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã tạo điều kiện bàn giao đất đúng tiến độ, đủ diện tích cho các nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, thành phố đang tập trung nguồn lực về vốn cho dự án đường Vành đai 3. Theo dự kiến, đợt 1 sẽ giải ngân hơn 8.000 tỷ đồng cùng với gần 2.000 tỷ đồng cho việc san lấp. Tổng cộng khoảng 10.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trước ngày 30-6 năm nay cho dự án này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Liên quan đến giải phóng mặt bằng trong đầu tư công, thống nhất đến cuối tháng 6-2023, giải phóng mặt bằng ít nhất 70% để khởi công dự án.
"Có ba nhóm vấn đề cần quan tâm. Nhóm một là các vấn đề về pháp lý, cụ thể hóa các chính sách. Nhóm hai là công tác bồi thường, tái định cư, thủ tục dự án, phần nhiều liên quan chủ đầu tư. Nhóm này, khâu hoàn thiện hồ sơ, dự án, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm nên cần thúc đẩy nhanh. Nhóm 3 là giải quyết khiếu nại, do sẽ có trường hợp người dân chưa đồng thuận mức bồi thường", đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.