Các ngành dịch vụ, du lịch của thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng khá, trong khi hoạt động của khối doanh nghiệp sản xuất, xây dựng gặp khó khăn.
Chiều 1-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp thường kỳ về kinh tế - xã hội tháng 9-2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham dự.
Sản xuất, kinh doanh còn khó khăn
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2024 của thành phố ước đạt 108.410 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Ước tính quý III-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 312.659 tỷ đồng, tăng 9,8% so với quý trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 872.331 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 10,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 44,1 tỷ USD, tăng 6,4%.
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Ngành Du lịch của thành phố tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách. Theo đó, tổng doanh thu du lịch tăng 11,9% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn: Cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới thì có 6 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, vốn hóa doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,9% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thành lập mới có vốn hóa nhỏ, trong khi doanh nghiệp rút khỏi thị trường có vốn hóa lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, có đến 82,6% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động thương mại - dịch vụ, 17,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng.
Cụ thể, có 31.231 doanh nghiệp được cấp phép ngành thương mại - dịch vụ, với vốn đăng ký đạt 239.973 tỷ đồng, tăng 3,5% về cấp phép và giảm 2,4% về vốn so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành công nghiệp - xây dựng là 6.464 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt 52.814 tỷ đồng, giảm 6,9% về cấp phép và giảm tới 44,3% về vốn so với cùng kỳ.
Số liệu này cũng lý giải ngành thương mại - dịch vụ, du lịch tăng trưởng tốt, trong khi các doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân khó khăn của các ngành công nghiệp và sản xuất, theo các ngành chức năng, là do vấn đề địa chính trị khiến giá cước vận tải, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao; thói quen tiêu dùng thay đổi trong môi trường lãi suất cao tại các nước đối tác thương mại...
Không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều phức tạp, thành phố đã vượt qua, phấn đấu để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra và đạt được kết quả tích cực.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu, thời gian tới, chính quyền thành phố cần chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đưa nền kinh tế hướng đến xanh hóa, giảm phát thải. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi mạnh mẽ nền công nghiệp, sản xuất theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý một nhiệm vụ cần tập trung nỗ lực trong các tháng cuối năm là đầu tư công. Chỉ tiêu giải ngân đầu tư công đạt yêu cầu thì các chỉ tiêu khác sẽ tăng theo. Do đó, người đứng đầu các cấp, các ngành phải cam kết hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Những cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu các cấp, các ngành phải phấn đấu, nỗ lực, lãnh đạo thành phố luôn theo sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn. Song song đó, cấp ủy các cấp sẽ xử lý cán bộ, công chức có biểu hiệu không dám làm, không chịu làm.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định, trong một số nhiệm vụ, các cấp, các ngành của thành phố còn lúng túng, bị động trong khâu điều hành, kéo theo công việc bị tồn đọng. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng là chỉ tiêu tăng trưởng không đạt trong 9 tháng đầu năm. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tính đến ngày 30-9 mới chỉ đạt 20,2%.
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, thành phố không điều chỉnh chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công, thay vào đó, điều chỉnh giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu đề ra là trên 95%, đồng thời cho rằng, toàn hệ thống chính trị thành phố phải đột phá bằng tư duy mới, cách làm mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã nhắc nhở 11 đơn vị xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chưa đạt tỷ lệ 95% gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (36,2%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (81,3%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (66,9%); Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao (36,5%); UBND huyện Hóc Môn (73,5%); UBND quận 1 (74,2%); UBND quận 3 (69,7%); UBND quận 5 (41,6%); UBND quận 6 (72,7%); UBND quận Tân Bình (74,5%), UBND quận Tân Phú (66,5%). Đồng chí yêu cầu, các đơn vị chấn chỉnh, rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân năm 2024 theo từng tháng từ nay đến cuối năm 2024; có giải pháp đẩy nhanh thủ tục đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án bảo đảm tỷ lệ giải ngân của đơn vị đạt trên 95%. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.