Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được áp dụng quy định phòng dịch Covid-19 theo đặc thù

Nhóm phóng viên| 26/09/2021 21:57

(HNMO) - Càng gần đến ngày 1-10, người dân thành phố Hồ Chí Minh càng nóng lòng muốn biết những biện pháp phòng dịch mới mà thành phố sẽ áp dụng để sống chung an toàn với dịch Covid-19. Tuy nhiên, những biện pháp mới này còn phụ thuộc vào việc thành phố được đánh giá đang ở mức độ dịch Covid-19 thế nào, theo các tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến tối 26-9.

Bộ Y tế vừa công bố dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Theo đó, các địa phương được phân thành 4 cấp nguy cơ dịch Covid-19. Cấp 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Có 3 chỉ số bắt buộc để phân loại, đánh giá cấp độ nguy cơ. Thứ nhất, phải có từ 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; thứ hai, 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có ô xy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng; và thứ ba, các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến duy trì hơn 3.200 giường hồi sức tích cực trong hệ thống y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Đáng chú ý, nếu không đạt được chỉ số hơn 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin, địa phương phải tăng lên 1 cấp độ dịch (trừ khi đang ở cấp độ 4 hoặc địa bàn không có ca mắc). Địa phương được phân cấp đánh giá có thể là cấp xã, phường, thị trấn hoặc cấp tổ dân phố.

Việc đánh giá cấp độ dịch hằng tuần và trong 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển cấp độ dịch và thời gian chuyển tiếp giữa các cấp độ dịch trong vòng 72 giờ. Các cấp độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh sẽ liên quan đến việc siết chặt hay nới lỏng các hoạt động kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nói về các chỉ số này, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố Hồ Chí Minh hiện đạt tiêu chí 2 về xây dựng kế hoạch duy trì hơn 400 trạm y tế lưu động ở 312 phường, xã, thị trấn; đạt tiêu chí 3 về duy trì số giường ICU với hơn 3.200 giường tại các cơ sở y tế.

Về chỉ số 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ các mũi vắc xin, thành phố Hồ Chí Minh có nhiều quận, huyện tiêm đạt 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi như các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và các quận 1, 5, 6, 8, 11, Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức.

Nhưng tỷ lệ mũi 2 mới đạt khoảng 40% ở một số địa phương như huyện Cần Giờ; quận 5, 10, 11... “Việc tăng độ bao phủ vắc xin phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Ngoài ra, trong dự thảo còn có các chỉ số phân loại cấp độ dịch gồm số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Hiện nay, mỗi ngày, tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn phát hiện hàng nghìn ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, phần lớn các ca nhiễm thể nhẹ, được điều trị tại nhà. Nhiều ý kiến cho rằng, nên tính tỷ lệ ca nhiễm trên tổng số mẫu xét nghiệm sẽ phản ánh chính xác tình hình dịch Covid-19 tại địa phương hơn là như dự thảo.

Mức độ bao phủ vắc xin của thành phố Hồ Chí Minh phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vắc xin do Bộ Y tế cung cấp.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Chuyên gia dịch tễ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với thực tế phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua tại thành phố Hồ Chí Minh, việc số ca nhiễm nhiều không quan trọng bằng trong số đó, có bao nhiêu ca phải đi điều trị tại bệnh viện, bao nhiêu ca tiến triển bệnh; khả năng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong thế nào…

“Nếu ca nhiễm phát hiện nhiều, nhưng phần lớn lại được điều trị thành công thì càng góp phần tạo miễn dịch cộng đồng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Xuất phát từ những nét đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa nền kinh tế.

Mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh lấy được hơn 1 triệu mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19.

Theo đó, thành phố đánh giá cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù, UBND thành phố Hồ Chí Minh kính đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép thành phố áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định, để có thể mở cửa nền kinh tế. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng. Cùng với đó, thành phố đề xuất Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục cấp đủ vắc xin để thành phố tiêm cho người trong độ tuổi quy định đúng với tỷ lệ mà hướng dẫn quy định.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được áp dụng quy định phòng dịch Covid-19 theo đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.