Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Đề án lệch ca, lệch giờ: Chưa đạt hiệu quả mong muốn

Thanh Tàu| 09/10/2017 07:03

(HNM) - Qua 10 năm (2007-2017) thực hiện, đề án lệch ca, lệch giờ của ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh vẫn chưa mang lại hiệu quả thực sự. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức của phụ huynh khi đưa đón con chưa cao, sự phối hợp của các lực lượng địa phương chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ...


Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở cổng trường học


Theo Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ năm 2007 trở về trước, bậc mầm non vào học lúc 7h30, tan trường lúc 16h; bậc tiểu học vào học lúc 7h và 13h, tan trường lúc 11h và 16h30; bậc trung học cơ sở vào học lúc 7h và 13h, tan trường lúc 11h15 và 17h; bậc trung học phổ thông vào học lúc 6h45 và 12h45, tan trường lúc 11h15 và 17h15. Từ năm 2007 trở đi, giờ học và tan trường đã được điều chỉnh lệch ca để tránh tắc đường, kẹt xe theo đề án của ngành Giáo dục thành phố. Theo đó, bậc mầm non giữ nguyên khung giờ, bậc tiểu học giờ vào học buổi sáng giữ nguyên, buổi chiều muộn hơn 15 phút. Còn bậc học trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được điều chỉnh vào học muộn hơn 15 phút.

Phụ huynh đón con tại một trường học ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.



Theo đánh giá, sau 10 năm triển khai, việc điều chỉnh này chưa mang lại hiệu quả thực sự. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các cổng trường học hoặc khu vực gần kề đó. Theo Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân là ý thức chưa tốt của phụ huynh khi đón con; sự phát triển của phương tiện cá nhân quá nhanh; hệ thống giao thông công cộng kém và học sinh chưa hình thành thói quen đi bộ đến trường; nhiều người đi ô tô không chấp hành quy định đỗ cách cổng trường 50m; một số trường gần nút giao thông, gần chợ, mặt đường chật hẹp...

Cần có giải pháp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho hay, phương án bố trí lệch ca, lệch giờ trong ngành Giáo dục phải có sự đồng bộ với phương án của các ngành khác. Bởi học sinh vào học sớm hoặc muộn hơn 15 phút so với trước đây nhưng giờ làm của cha mẹ là cố định, nên khó có thể thay đổi thời gian đưa đón con đi học của phụ huynh. Chưa kể, nếu trẻ về sớm hơn 15 phút thì cha mẹ lại bỏ việc để đón con sớm hơn, ảnh hưởng đến công việc cơ quan. Như vậy, các cơ quan thực hiện đề án cần tham khảo ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Còn ông Hoàng Phúc Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần lấy ý kiến người dân để tìm ra giải pháp tối ưu cho việc giảm ùn tắc giao thông và xử lý nghiêm hàng rong trước cổng trường; đẩy mạnh hoạt động vận tải hành khách công cộng...

Trong khi đó, Tiến sĩ Dư Phước Tân, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, không nên làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân và tiếp tục giữ phương án như hiện nay; đồng thời phát huy những thành quả của đề án lệch giờ của ngành Giáo dục đã thực hiện, nhất là các bài học kinh nghiệm thành công cần được đúc kết và nhân rộng.

Về việc khắc phục các điểm "nóng" giao thông, Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo 27 nhà trường trên địa bàn xử lý dứt điểm 27 điểm ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm. Sở đề nghị các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai và chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với chính quyền địa phương nhằm chấm dứt ùn tắc giao thông tại cổng trường trong thời gian sớm nhất. Sở sẽ phối hợp với Công an thành phố kiểm tra việc thực hiện vào cuối học kỳ I và học kỳ II năm học 2017-2018.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Đề án lệch ca, lệch giờ: Chưa đạt hiệu quả mong muốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.