(HNM) - Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thiếu hụt đội ngũ nhân lực lành nghề, có chất lượng cao, đáp ứng chuẩn quốc tế... Trước yêu cầu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, việc đẩy mạnh đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này là rất quan trọng.
Sinh viên ngành hướng dẫn du lịch (Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) trong giờ thực tập. Ảnh: Cao Đẳng |
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa cao điểm du lịch, vì thế trong các trang website tuyển dụng, số lượng công ty đăng tải thông tin tìm kiếm nhân viên phục vụ trong ngành Du lịch dịch vụ tăng cao. Các vị trí đang thiếu hụt như: Nhân viên điều hành tour, nhân viên thiết kế đường tour, nhân viên marketing, hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn, quản lý khu nghỉ dưỡng cao cấp...
Em Trần Ngọc Thanh, sinh viên năm thứ tư, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng em đã được công ty du lịch nhận vào làm hướng dẫn viên. Nghề này đang cho thu nhập tốt, tạo cho em có cơ hội phát triển...".
Là đầu tàu kinh tế du lịch của nước ta nhưng hiện nay thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 140.350 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch. Điều đáng nói, tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch 3 năm trở lại đây tại thành phố cao, trong khi số lượng hướng dẫn viên hành nghề lại thiếu hụt. Tính đến cuối năm 2018, thành phố chỉ có 5.418 hướng dẫn viên du lịch hành nghề, trong đó có tới 30-45% không đạt chuẩn về ngoại ngữ, đặc biệt với tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Tây Ban Nha.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút 8,5 triệu khách quốc tế và 32,77 triệu khách nội địa (lần lượt tăng khoảng 14% và 13% so với năm 2018). Mục tiêu tăng trưởng cao đặt ra sức ép cho ngành, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực du lịch chưa kịp đáp ứng so với mức độ tăng trưởng”.
Hiện nay, thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức trong việc tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống giáo trình chưa thực sự phù hợp, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao. Liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Do nhân lực du lịch chất lượng cao của thành phố Hồ Chí Minh chưa đủ đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp phải tuyển thêm lao động nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) phân tích: “Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang phải nhập khẩu lao động nước ngoài để thay thế nguồn nhân lực trong nước. Trong cộng đồng kinh tế ASEAN đã chính thức công bố Thỏa thuận lẫn nhau về chuẩn nghề nghiệp (MRA-TP). Thỏa thuận này cho phép lao động trong ngành Du lịch khách sạn có cơ hội làm việc ở bất kỳ quốc gia nào trong khối nếu đạt chuẩn nghề”.
Hình thành trung tâm đào tạo chất lượng
Du lịch, nhà hàng, khách sạn nằm trong nhóm 12 ngành nghề cần nhiều nhân lực nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, thành phố có 63 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Dự báo đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng du lịch thành phố sẽ đạt 20-25%/năm, nhu cầu nhân lực ngành Du lịch càng tăng mạnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Với vai trò đầu tàu du lịch cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hình thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho khu vực phía Nam, cả nước và khu vực”.
Trước yêu cầu trên, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Hiện nay, sinh viên ra trường khi vào làm việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại, việc này gây lãng phí. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm sâu sắc đến thực tập, thực hành của sinh viên. Mặt khác, cần quan tâm đến yếu tố đào tạo và đào tạo lại, nhất là đội ngũ, lãnh đạo vì lực lượng này rất quan trọng trong phát triển du lịch".
Để có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và trường đào tạo, bà Mai Hồng Quỳ kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư đào tạo du lịch. Bên cạnh đó, thành phố cần có những chính sách khuyến khích các địa phương trong việc đào tạo và đào tạo lại, quản lý nguồn nhân lực địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu hỗ trợ và khuyến khích đào tạo, cho phép các trường thực hiện chương trình đào tạo có sự tham gia của các doanh nghiệp...
Phát biểu trong hội thảo Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chính phủ giao Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đi đầu cả nước về công tác phối hợp và liên kết các bên liên quan trong đào tạo nhân lực một cách hữu hiệu nhất trong trục thu hút - đào tạo - cung cấp nhân lực du lịch. Thành phố cần nhân rộng điển hình các trường đại học có mô hình đào tạo tiên tiến và hiệu quả, đẩy mạnh xúc tiến du lịch và việc làm du lịch; quảng bá mạnh mẽ vai trò ngành Du lịch trong quá trình phát triển và xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại, phát triển, hội nhập và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.