(HNM) - Năm 2022, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với quyết tâm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương lớn đã đề ra. Kỳ vọng vượt khó, giành những thắng lợi mới chỉ thành hiện thực khi cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự ủng hộ của nhân dân.
22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là đại dịch Covid-19; song Hà Nội đã vượt qua, đạt được kết quả khá toàn diện. Bên cạnh duy trì phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội còn cụ thể hóa bằng hàng loạt chủ trương lớn, đặt bàn đạp quan trọng để tổ chức thực hiện trong năm 2022.
Không chỉ trong công tác xây dựng Đảng, nhiều chủ trương, đề án, dự án rất quan trọng, có tính đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô giai đoạn 2021-2025 và nhiều năm tiếp theo đã được xác lập. Đó là: Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô; tổng kết Luật Thủ đô và Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô; thông qua 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, đô thị, trật tự xây dựng và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản; Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa... Năm 2022, Hà Nội cũng tập trung nguồn lực để đầu tư cho 3 lĩnh vực rất quan trọng là: Y tế, giáo dục và văn hóa - di tích - lịch sử để tương xứng với vị thế, vai trò, tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ là rất nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều, quyết tâm cao, hành động phải quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ phải bắt tay vào việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, tạo khí thế phấn khởi, hăng say thi đua trong thực hiện các nhiệm vụ”.
Nhằm cụ thể hóa tinh thần trên, trong chỉ thị đầu năm mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực thi công vụ, nhiệm vụ phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình, đúng thời hạn; không bỏ sót nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc... UBND thành phố cũng đã xác định rõ 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức 7-7,5%.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, năm 2022, HĐND thành phố sẽ chủ động trong công tác chuẩn bị các kỳ họp; thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”; lựa chọn nội dung và tổ chức tốt các phiên giải trình, tập trung vào những vấn đề dân sinh bức xúc…
Giải pháp quyết liệt, quyết tâm cao
Thực hiện quyết tâm và nhiệm vụ thành phố giao, các cấp, ngành đã khẩn trương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp; giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện công việc đúng quy trình, thời hạn, không bỏ sót nhiệm vụ, đùn đẩy, né tránh công việc...
Cùng với quyết tâm của các ngành: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng đặt mục tiêu cao trong năm 2022. Đó là tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Thành phố sẽ giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha; mở rộng diện tích trồng rau màu từ 32.907ha lên 38.000ha; cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; hoa - cây cảnh từ 8.500ha lên 9.000ha. Hà Nội cũng tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tăng số lượng đàn bò lên 150.000-160.000 con...
Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng khẳng định, năm 2022, quận phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 13,56%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.556 tỷ đồng. Trước mắt, quận sẽ tập trung cao độ thực hiện “nhiệm vụ kép”, củng cố trạng thái “bình thường mới”, coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, là địa phương đang phấn đấu lên quận, trong năm 2022, huyện đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa.
Theo báo cáo mới nhất, trong tháng 1-2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước đạt 45,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Những tín hiệu tích cực ngay trong ngày đầu năm mới cùng quyết tâm từ thành phố xuống các cấp sở, ngành, địa phương đã báo hiệu một năm 2022 vượt khó, giành thắng lợi mới sẽ trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.