Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hà Nội: Tạo đà giảm nghèo bền vững

Minh Vũ| 28/12/2020 06:12

(HNM) - Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội hỗ trợ giảm nghèo thông qua chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, tạo giá đỡ an sinh, trao sinh kế cho người nghèo, người yếu thế…, đã mang lại những kết quả ấn tượng. Điều này không chỉ tiếp thêm động lực cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, mà còn tạo đà để thành phố giảm nghèo bền vững trong những năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao nhà Đại đoàn kết cho bà Dư Thị Phúc, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Nguyễn Phượng

14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo

Nhiều năm sống trong ngôi nhà xuống cấp, thấm dột nhưng chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Đình Vỹ, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) nghĩ đến tương lai sẽ có nhà mới khang trang để ở do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Song, nhờ sự quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở từ các cơ quan chức năng, sự chung tay của cộng đồng, năm 2020, gia đình chị Huyền đã có căn nhà như mong ước, theo đó nghèo khó dần lùi xa. Cùng ở huyện Gia Lâm, bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn không may mắc bệnh nặng đã được hỗ trợ kịp thời tiền khám, chữa bệnh. “Sự quan tâm, động viên từ các cơ quan chức năng, đã giúp chúng tôi có thêm động lực, niềm tin vào những điều tốt đẹp”, bà Hòa chia sẻ.

Ngoài những trường hợp nêu trên, giai đoạn 2016-2020, hàng nghìn hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gia Lâm nhận được sự quan tâm, trợ giúp về nhiều mặt để vươn lên, đưa Gia Lâm trở thành huyện không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020. Với cách làm tương tự, huyện Hoài Đức cũng đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo. “Trung bình mỗi năm, huyện Hoài Đức có hàng trăm hộ thoát nghèo và hiện tại trên địa bàn không còn hộ nghèo...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh thông tin.

Cũng nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, sự chủ động vươn lên của những người có hoàn cảnh khó khăn, năm 2020, Hà Nội có thêm 3 quận: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên không còn hộ nghèo. Như vậy, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố giảm được hơn 70.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội giảm từ 3,64% vào năm 2016, xuống cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, hoàn thành trước hai năm so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, Hà Nội có 14/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo, riêng quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng không còn cả hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đáng mừng hơn, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đổi thay từng ngày. Theo Phó Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Phúc Hải, đến thời điểm này, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, có xã đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm…

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Chi trả tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo... tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Ngọc Châu

Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu không còn hộ nghèo, tái nghèo. Mục tiêu mang ý nghĩa nhân văn này không dễ thực hiện, bởi trên địa bàn thành phố tập trung nhiều người từ nơi khác đến, công việc và nguồn thu nhập của họ không ổn định, dễ rơi vào cảnh nghèo hoặc tái nghèo. Trong khi đó, tại một số địa phương, tỷ lệ giảm nghèo tuy nhanh, nhưng chưa thực sự bền vững. Chẳng hạn, tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì) - nơi có 98% đồng bào dân tộc Dao cư trú, hiện còn tới 32,42% hộ cận nghèo. “Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, xã Ba Vì nói riêng, cần ưu tiên, đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội song song, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với đặc thù của từng địa phương”, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà nhấn mạnh.

Hiện tại, huyện Ứng Hòa chỉ còn 45 hộ nghèo, nhưng vẫn còn hàng nghìn hộ cận nghèo, dễ bị tái nghèo, nếu các thành viên trong gia đình không may gặp rủi ro về sức khỏe hoặc việc làm. Từ kinh nghiệm thực tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh kiến nghị, các cơ quan chức năng tăng cường đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi và bao tiêu đầu ra, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Còn theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà, biện pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững là giúp người dân có việc làm ở khu vực kinh tế chính thức, để họ được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, ngoài các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã, đang triển khai, với vai trò là đơn vị chủ trì tham mưu xây dựng và thực hiện Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan đưa Chương trình số 08 vào đời sống. Theo đó, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; tập trung phát triển kinh tế các làng nghề, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thành phố cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng xa trung tâm, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động cũng được chú trọng…

Với nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được triển khai linh hoạt, khả thi, chắc chắn mục tiêu không còn hộ nghèo, tái nghèo của Thủ đô sẽ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hà Nội: Tạo đà giảm nghèo bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.